Thú chơi chim chào mào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Công việc vốn dĩ rất căng thẳng nên sau thời gian làm việc tôi muốn tìm về không gian có tiếng hót lảnh lót của những chú chim. Phải có niềm đam mê và thực sự yêu chim mới có thể kiên trì với thú vui này, đặc biệt là đối với phụ nữ như tôi”-chị Võ Thị Thu Hiền-một cán bộ trong lực lượng vũ trang và là một trong số ít hội viên nữ của Hội chim chào mào tỉnh Gia Lai bộc bạch.

Ảnh: Uyên Nhã
Ảnh: Uyên Nhã

Cứ đến tháng 10, đàn chim chào mào từ đâu kéo về đậu trên mái nhỏ làm xao xuyến tâm hồn những người yêu chim. Tiếng hót lảnh lót của nó khiến cho những ai trót mang niềm đam mê nuôi chim chào mào không thể bỏ qua. Gặp tôi, người phụ nữ tuổi trung niên đã có sở thích nuôi chim chào mào từ 5 năm về trước chia sẻ, đã có lúc chị nuôi 13 con chào mào nhưng vì một lý do riêng tư đành phải thả những sinh linh bé bỏng về với thiên nhiên. Giờ đây, không thể cưỡng lại sức hút của âm thanh ấy, chị vẫn tiếp tục gia nhập Hội chim chào mào tỉnh và vẫn yêu tiếng chim hót mỗi khi bước ra khỏi cuộc sống xô bồ, tấp nập. Đây là thú vui tao nhã của đại bộ phận người dân Phố núi, họ đến từ nhiều tầng lớp, lứa tuổi, công việc khác nhau nhưng đều tìm đến mái nhà chung là Hội chim chào mào của tỉnh vào những ngày cuối tuần để hàng trăm con chim có sức vóc và chất giọng tốt được “gặp gỡ” và “thi tài”. Anh Võ Hồng Cường-Chủ quán cà phê chim Hoa Lư (đường Lương Thạnh-TP. Pleiku) cho biết: “Hầu hết người chơi chim thường mua chim từ nhiều người và nhiều nơi khác nhau. Có nhiều loài chim nhưng người dân Phố núi chủ yếu vẫn chuộng chào mào vì tiếng hót và độ bền giọng của nó”.

Ông Trần Văn Tính-Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, Hội trưởng Hội chim chào mào tỉnh, nói: Mỗi hội viên thường nuôi 5 đến 10 con chào mào và mỗi câu lạc bộ lại có khoảng 50 hội viên. Phổ biến nhất ở tỉnh ta là loại chào mào đấu có giá khoảng 40-50 triệu đồng/con. Có con giá lên đến 100 triệu đồng. Riêng hai loại chào mào quý hiếm như bạch tạng (giá 300-400 triệu đồng/con) và chào mào bông (giá 150-200 triệu đồng/con) chưa phổ biến tại Gia Lai.

 

Ông Trần Văn Tính bên con chào mào bông quý hiếm. Ảnh: Uyên Nhã
Ông Trần Văn Tính bên con chào mào bông quý hiếm. Ảnh: Uyên Nhã

Loại chim này sinh sản vào tháng 3, tháng 4 hàng năm và có tuổi thọ trung bình từ 15 đến 16 năm. Để chọn được một chú chim chào mào đủ điều kiện thi đấu phải tuân thủ một số nguyên tắc về tiềm năng thể lực tốt; chim phải siêng hót, hót hay, chất giọng có độ bền cao và phải có 3 năm tuổi trở lên. Để có được một chú chim chào mào hội tụ đầy đủ những tố chất kể trên, người nuôi phải rất tỉ mỉ trong khâu chọn thức ăn và vệ sinh mỗi ngày. Theo ông Tính một ngày nên cho chim ăn 3 loại trái cây như táo, đu đủ và chuối để chim có sức đề kháng tốt nhất. Tại trường chim Thanh Thảo (phường Hội Thương, TP. Pleiku), chính tay chủ nhà tự chế biến thức ăn giàu dưỡng chất kết hợp từ các loại ngũ cốc (đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, đậu đen), mật ong, phấn hoa, kỳ tử (loại hạt dùng trong chế biến trà cung đình), táo đỏ và nếp. Trải qua 4 công đoạn xay nhuyễn, trộn, ép cọng, cắt hạt và sấy, thức ăn dành cho chim đã hoàn thành. 1 chú chim chào mào sử dụng 1 lạng cám trong thời gian trung bình là 1/2 tháng. Một số nghệ nhân còn sử dụng cào cào làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng đồng thời cho xương của chào mào được cứng chắc hơn.

Không đơn thuần là âm thanh mang tính giải trí, tiếng hót chim chào mào đã đi sâu vào tâm hồn và cuộc sống của người dân thông qua nhiều hoạt động. Theo dự kiến vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17-3-1975 – 17-3-2015), Hội chim chào mào tỉnh sẽ đăng cai tổ chức tiếng hót chim chào mào nhằm gây quỹ từ thiện giúp trẻ em bị chất độc da cam của tỉnh. Cuộc thi hứa hẹn mở đầu cho nhiều hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc sẽ được tổ chức trong năm.

Uyên Nhã

Có thể bạn quan tâm