(GLO)- Chúng ta bước vào năm mới 2017 trong niềm hân hoan, phấn khởi bởi kinh tế tỉnh nhà chuyển biến mạnh mẽ. Năm qua, có hơn 500 doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới, gần 100 doanh nghiệp mở chi nhánh tại Gia Lai. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh lên giá. Cuối năm có hơn 20 doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào Gia Lai với số vốn gần 1 tỷ USD. Đặc biệt, những gợi ý và quyết sách của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho Gia Lai nhân chuyến thăm và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vào cuối năm 2016 đã mang lại sự kỳ vọng lớn cho doanh nghiệp và người dân vào tương lai tươi sáng của kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Hồ tiêu- cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê. |
Doanh nghiệp và người dân là những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Doanh nghiệp có giàu, dân giàu thì đất nước mới mạnh. Vì vậy, từng địa phương phải khuyến khích, động viên, biểu dương những người làm giàu chính đáng. Người giàu không chỉ giúp ích cho bản thân họ, gia đình họ, đỡ gánh nặng xã hội mà còn giúp ích cho những người xung quanh, từ giải quyết việc làm đến đóng góp cho ngân sách, đóng góp cho cộng đồng, vinh danh bản quán, quê hương.
Gia Lai đã có các tên tuổi lớn trên thương trường trong và ngoài nước như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai. Những doanh nhân khởi nghiệp từ phố núi Pleiku, giờ đã vươn ra quốc tế, đầu tư ở nhiều nước với nhiều ngành nghề khác nhau, từ thương mại-dịch vụ, bất động sản, sản xuất nông nghiệp đến lắp ráp điện tử... Làm ăn có lúc được lúc mất, doanh nghiệp lúc thăng lúc trầm nhưng sự đóng góp của họ cho Gia Lai nhất là đóng góp về an sinh xã hội và xây dựng thương hiệu là rất đáng ghi nhận.
Ở Gia Lai có làm giàu được không, người Gia Lai giàu cách nào? Câu hỏi làm trăn trở không ít người, nhất là đối với các bạn trẻ. Làm giàu bây giờ không còn quá bám víu vào ưu đãi tự nhiên, khai thác tài nguyên như thời kỳ sơ khai. Thời đại cách mạng số, trí tuệ và nghị lực quyết định vận mệnh của mỗi con người. Thật ngẫu nhiên lý thú khi chữ “số” trong “công nghệ số” trùng hợp với quan niệm dân gian về “số” chỉ số phận, số mệnh mỗi người. Bây giờ nói về “số”, các bạn trẻ hàm ý đến chỉ số IQ, đến trí tuệ của mỗi người, nền tảng trình độ công nghệ số để họ hòa vào cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Lịch sử đã chứng minh nhiều quốc gia, lãnh thổ rất ít tài nguyên, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng người dân ở đấy lại vươn lên làm giàu, đạt những thành tựu đỉnh cao về khoa học và công nghệ, đưa khoa học và công nghệ phục vụ đời sống xã hội. Điều đó có thể suy luận rằng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu con người có nghị lực và quyết tâm vượt qua thách thức, tìm kiếm cơ hội làm giàu thì làm giàu không khó. Người Gia Lai hoàn toàn có thể làm giàu tại quê hương, đồng thời có thể vươn ra bên ngoài, tạo tiếng thơm cho quê hương Gia Lai.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Gia Lai khi vươn ra làm ăn bên ngoài. Lãnh đạo tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 số doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên gấp đôi so với năm 2016. Nếu chỉ thuần túy chạy theo con số thì thật đơn giản, bởi chỉ cần một vài triệu đồng là có thể mở doanh nghiệp. Kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh là tăng gấp đôi cả số lượng và quy mô kinh tế của hệ thống doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp vừa thì vươn lên thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ phát triển lên doanh nghiệp vừa và những hộ kinh doanh cá thể hoặc người chưa thành lập doanh nghiệp thì bắt tay vào lập doanh nghiệp, hướng đến quy mô làm ăn to lớn, phát triển hơn.
Tiềm năng sản phẩm hàng hóa, đất đai, trí tuệ của Gia Lai cần được kích thích, phát huy một cách tối đa, trong cơ chế thông thoáng, sẽ tạo sức bật mạnh mẽ. Mỗi người tự xóa lối mòn trong cách nghĩ, cách làm ăn kém hiệu quả, tự tìm kiếm cơ hội và có khát vọng vươn lên thì chắc chắn thành quả tốt đẹp sẽ đến. Người Gia Lai giàu lên, doanh nghiệp Gia Lai giàu lên, tỉnh Gia Lai cũng sẽ giàu mạnh, sánh vai cùng cả nước.
Nhật Cường