Thể thao điện tử thu hút giới trẻ, mở ra cơ hội hướng nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, hiện nay, nguồn nhân lực chính của ngành thể thao điện tử chủ yếu được dịch chuyển từ ngành game sang, chưa có "nhân lực chuẩn."
 
Đại diện của Việt Nam thi đấu bộ môn Mobile Legends: Bang Bang tại SEA Games 30.
Đại diện của Việt Nam thi đấu bộ môn Mobile Legends: Bang Bang tại SEA Games 30.
Cũng giống như các bộ môn thể thao khác, thể thao điện tử đem lại giá trị kinh tế lớn, thậm chí vượt xa so với thể thao truyền thống. Sau một thời gian định hình, phát triển, thể thao điện tử trở thành ngành được giới trẻ quan tâm đặc biệt.
Đem về nguồn lợi kinh tế lớn
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các tựa game ngày càng được trau chuốt về mặt đồ họa cũng như cốt truyện, tính năng. Ngày càng có nhiều trò chơi thu phí nhưng vẫn thu hút được đông đảo người dùng. Đây là nguồn thu không hề nhỏ của trò chơi điện tử nói chung, thể thao điện tử nói riêng.
Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng sử dụng mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh. Lượng người dùng khổng lồ ấy chính là “mỏ tài nguyên” lớn, đem lại nguồn thu nhập cho các công ty, doanh nghiệp và cả vận động viên thể thao điện tử thông qua các nền tảng phát trực tiếp trên Facebook hay Youtube.
Đơn cử, cuối năm 2019, một giải thi đấu của tựa game Đế chế (AOE) đã lập kỷ lục 125.000 người xem trực tiếp. Điều này cho thấy sức hút của các trò chơi điện tử nói chung, thể thao điện tử nói riêng là rất lớn.
Việc giành được thành tích cao tại các giải đấu đem lại giải thưởng lớn và sự nổi tiếng cho các vận động viên thể thao điện tử. Khi đã trở thành “KOL” (người có ảnh hưởng), những “game thủ” hoàn toàn có thể có thêm thu nhập lớn từ Facebook, Youtube hoặc các nền tảng mạng xã hội khác thông qua việc trở thành đại sứ thương hiệu của một đơn vị, tổ chức hoặc tham gia quảng cáo sản phẩm...
Một nguồn lợi chính thống khác của thể thao điện tử tới từ các giải thưởng hấp dẫn trong các giải đấu. Có thể kể đến các giải đấu lớn như: Đấu trường danh vọng, PUBG Mobile World League 2020, Giải vô địch PES Đông Nam Á, Đấu trường sinh tồn, Đấu trường tử chiến… Đa phần các giải đấu lớn này đều được tổ chức thường niên và có tổng giải thưởng hấp dẫn, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Mới đây, giải XGAMING-UEC 2021 (Giải vô địch thể thao điện tử sinh viên 2021) do Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam cùng các đơn vị phối hợp tổ chức cũng chính thức được công bố. Đây là giải đấu phong trào, bán chuyên giành cho sinh viên với tổng giá trị giải thưởng hấp dẫn, lên tới 500 triệu đồng.
Những cơ hội hướng nghiệp
Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, hiện nay, nguồn nhân lực chính của ngành thể thao điện tử chủ yếu được dịch chuyển từ các ngành game sang, chưa có những "nhân lực chuẩn." Hội mong muốn thành lập các câu lạc bộ sinh viên ở các trường để lồng ghép việc hướng nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với những ngành nghề mới tại Việt Nam.
Câu lạc bộ Thể thao điện tử Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong số các câu lạc bộ được thành lập sớm và đi vào hoạt động bài bản nhất tại Việt Nam. Câu lạc bộ hướng tới xây dựng một môi trường mà các thành viên, cộng tác viên có thể phát triển tối đa khả năng bản thân. Các hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời góp phần thay đổi cách nghĩ của mọi người về thể thao điện tử.
Phó Bí thư đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Phương Linh cho biết khi mới thành lập và đi vào hoạt động, câu lạc bộ cũng gặp một số nghi ngại của nhiều người. Tuy nhiên, sau khi tổ chức thành công những sự kiện, những giải đấu, hội thảo, talk show, câu lạc bộ đã có được sự tin tưởng, tích cực, ủng hộ của nhà trường và mọi người. Câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt của sinh viên về thể thao điện tử nói chung mà còn định hướng ngành nghề cho sinh viên, giúp họ ứng dụng những lĩnh vực được học như marketing, quản trị kinh doanh… vào nghề nghiệp tương lai.
Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng cho rằng khi mô hình câu lạc bộ thể thao điện tử trong sinh viên hoạt động đúng mục đích và hiệu quả, sinh viên không chỉ đơn thuần là thi đấu mà sẽ làm quen với các lĩnh vực liên quan như quản lý nhân sự, quảng cáo, marketing, tổ chức sự kiện...
Thông qua những sự kiện đó, có thể phát hiện ra những tài năng, tạo cầu nối liên thông từ câu lạc bộ sinh viên sang môi trường chuyên nghiệp, làm việc trong ngành eSports năng động.
Nam Thái (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.