Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phải nói ngay rằng, những người dân bình thường, người dân ở vùng sâu, vùng xa và người già rất ít biết đến chuyện thanh toán qua ngân hàng. Đơn giản là vì những tiện ích của thời đại thông tin chưa đến với họ. Thêm nữa, số tiền họ được nhận hay phải trả thường không lớn, không thường xuyên. Vì thế, họ chỉ chọn phương thức trả tiền mặt cho thuận tiện nhất.
Nếu Nhà nước muốn kêu gọi người dân thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng thì phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất, giản tiện nhất phương thức thanh toán này để họ quen dần với nó. Quá trình làm quen này không thể chỉ trong ngày một, ngày hai và người chủ động “làm quen” phải là các cơ quan nhà nước, chứ không phải người dân.
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn ít. Ảnh minh họa: TL
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn ít. (Ảnh minh họa: TL)
Hãy nhìn sang Trung Quốc, đất nước có hơn một tỷ người. Hiện nay, người dân nước này đã sử dụng phổ biến những phương thức thanh toán qua ngân hàng, kể cả khi đi chợ và mua những món hàng có số tiền rất nhỏ. Để có được điều đó, Trung Quốc đã chuẩn bị cho phương thức thanh toán qua ngân hàng từ rất nhiều năm. Và họ chuẩn bị một cách đồng bộ, chi tiết, tạo thuận lợi lớn nhất cho người dân làm quen với phương thức thanh toán này. Khi người dân đã quen, đã sử dụng thành thạo phương thức thanh toán của thời đại internet, thấy rõ những tiện ích của nó và thấy nó cũng dễ thao tác chứ không quá khó thì những giao dịch qua ngân hàng sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
Với nước ta thì chưa được như vậy. Sử dụng phương thức truyền thông là cần thiết nhưng không bao giờ là tất cả. Đừng vận động khơi khơi trên các phương tiện truyền thông khi người dân rất ít để ý tới câu chuyện này.
Còn nhớ ngày trước, khi chưa có điện thoại di động, chẳng ai biết mặt mũi cái điện thoại này thế nào. Còn khi mới bắt đầu có điện thoại di động thì số người dùng cũng còn rất ít. Nhưng khi điện thoại di động “bùng nổ” ở Việt Nam, số người biết dùng và thích ứng với phương tiện liên lạc này đã tăng vọt, nhanh tới mức khó tưởng tượng. Với internet cũng vậy. Bây giờ, lượng người quen dùng internet ở Việt Nam đã lên tới mấy chục triệu người.
Phương thức thanh toán bằng các phương tiện sử dụng internet qua ngân hàng cũng vậy. Vấn đề là các doanh nghiệp kinh doanh phương thức thanh toán này phải tăng cường quảng cáo, chứ không phải tuyên truyền. Bởi đây là hình thức dịch vụ nên những doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ hình thức dịch vụ này phải tăng cường quảng cáo, người dân thấy tiện ích thì sẽ dùng, đơn giản vậy thôi.
Nếu không có Jack Ma và tập đoàn mua bán qua mạng Alibaba của ông ta phủ sóng toàn Trung Quốc và lan nhanh ra thế giới thì người Trung Quốc cũng chưa thể dùng phương thức thanh toán qua ngân hàng một cách thành thạo tới mức bình thường như hiện nay. Và Jack Ma quảng cáo chứ không tuyên truyền.
Nếu ngân hàng được hưởng lợi từ phương thức thanh toán này thì họ phải có những chiến dịch quảng cáo và phải làm sao để người dân bình thường có thể sử dụng một cách dễ dàng nhất.
Dù có “ích nước lợi dân” tới cỡ nào thì đây cũng chỉ là một phương thức thanh toán. Vì vậy, phải đối xử với nó như một phương thức thanh toán tự nguyện. Trước đây, đâu có ai bắt người dân phải tiêu tiền giấy. Nhưng khi Nhà nước phát hành tiền giấy thay tiền đồng thì người dân quen với loại tiền này rất nhanh. Còn từ tiền giấy lên tới “tiền điện tử” thì thời gian phải dài hơn, nhưng khi nó thực sự đem lại ích lợi cho người dân, lại dễ dàng cho người dân thì họ sẽ dùng.
Cứ nhìn vào cái máy điện thoại thông minh thì biết. Bây giờ, nhiều nông dân còn biết sử dụng loại điện thoại này phục vụ sản xuất nông nghiệp, đó chính là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.