Thành phố Hồ Chí Minh tính phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà trong bối cảnh ghi nhận nhiều ca mắc trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
 
Thí điểm đầu tiên cách ly F1 tại nhà ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN phát)
Thí điểm đầu tiên cách ly F1 tại nhà ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN phát)
Trước thực tế ghi nhận nhiều ca mắc trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Thành phố Hồ Chí Minh cần xem lại mật độ giãn cách tại đây và phải giãn tối đa mật độ để đảm bảo phòng, chống dịch.
Hiện, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch, sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ.
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp.
Mở rộng quy mô cách ly tập trung
Báo cáo công tác phòng, chống dịch trong ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết trong vòng 24 giờ (tính đến 6 giờ ngày 12/7), thành phố ghi nhận thêm 1.489 ca mắc COVID-19, trong số đó có 29 ca qua tầm soát cộng đồng, 189 ca qua sàng lọc ở các bệnh viện, còn lại chủ yếu ở các khu cách ly, khu phong tỏa.
Đến nay, 12 chốt kiểm soát đã được thiết lập ở cửa ngõ ra vào thành phố, 144 chốt cấp quận, huyện và 400 chốt tại 312 phường/xã/thị trấn.
Trong 3 ngày qua, thành phố đã xử phạt 1.200 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Cùng với 11 khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh thành phố quản lý, thành phố đang khảo sát, sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 khối nhà ở chung cư tại Thủ Thiêm với quy mô 18.000 giường điều trị và 6.000 giường cách ly tập trung.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện có 42/128 doanh nghiệp đăng ký tổ chức thực hiện phương án vừa cách ly vừa sản xuất.
Các khu vực nhà xưởng, nhà kho được đưa vào làm nơi cách ly với 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ khi có yêu cầu.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Trước diễn biến dịch bệnh của tỉnh Long An, từ 0 giờ ngày 12/7, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có sử dụng lao động đang sinh sống tại Long An, phải chủ động phương án bố trí chỗ ăn, nghỉ cho lao động tại công ty.
Về việc chăm lo kịp thời cho người dân, thành phố đã tiếp nhận các đối tượng cơ nhỡ, lang thang nơi công cộng để đưa vào các trung tâm xã hội.
Trước khi đưa vào trung tâm hỗ trợ, tất cả những người này được xét nghiệm và thực hiện cách ly.
Cùng với đó, tính đến ngày 11/7, thành phố đã chi hỗ trợ theo quy định cho 54.700/225.000 người lao động tự do, với kinh phí 82 tỷ đồng.
Thành phố đang phối hợp với các tỉnh, thành để đảm bảo phương án vận tải thuận lợi, thông suốt giữa các thành phố và địa phương.
Do tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đến nay, tình hình giao thông tại các chốt kiểm soát đã dần ổn định, lượng phương tiện giao thông đã giảm mạnh, số lượng phương tiện không đủ điều kiện phòng, chống dịch để vào thành phố đã giảm.
Thành phố đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 5 đơn vị với 2.800 xe vận tải ra, vào các cảng, khu công nghiệp; tích cực phân luồng xanh cho các phương tiện ưu tiên; chủ động điều tiết giao thông từ xa…
Bên cạnh đó, thành phố đã chấn chỉnh và rút kinh nghiệm việc cung cấp suất ăn cho các khu cách ly và bệnh viện dã chiến; phân công cụ thể các đơn vị phụ trách từng khu cách ly đảm bảo không có tình trạng ùn ứ rác thải và xử lý rác thải nguy hại đúng quy định, kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh thành phố tăng cao, các đơn vị điều trị cần bổ sung một số trang thiết bị, thành phố đã kiến nghị Bộ Y tế 18 danh mục trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Đảm bảo nhu cầu lương thực cho người thu nhập thấp
Về cung ứng hàng hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết so với ngày 10/7, sức mua tại các chợ truyền thống tương đối ổn định, các quận huyện siết chặt việc chốt chặn kiểm soát khiến người dân có xu hướng ít ra đường hơn.
Tại các siêu thị, sức mua tăng khoảng 10%, bảo đảm hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả được niêm yết công khai, ổn định.
Tiếp tục khuyến khích người dân mua hàng online, tuy nhiên, tại một số đơn vị do thiếu nhân sự giao hàng trong khi đơn hàng tăng mạnh nên việc giao hàng chậm hơn so với ngày thường; trong những ngày tới sẽ tăng cường nhân sự giao hàng.
Trong thời gian thành phố dừng dịch vụ ăn uống mang về, các hệ thống phân phối đã tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn với chủng loại đa dạng và hướng dẫn người dân mua sắm tại các siêu thị.
Thành phố tổ chức một lực lượng tình nguyện đi chợ thay và cung cấp thức ăn miễn phí cho người già, người neo đơn, người bán hàng và những trường hợp khác đặc biệt khác cần hỗ trợ.
Thành phố tổ chức các chuyến bán hàng lưu động cung ứng hàng hóa và các “Siêu thị mini 0 đồng” để phục vụ cho người dân.
 
Siêu thị 0 đồng tổ chức vào các ngày thứ 2,4,6 hằng tuần, cung cấp miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm cho người nghèo trên địa bàn. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Siêu thị 0 đồng tổ chức vào các ngày thứ 2,4,6 hằng tuần, cung cấp miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm cho người nghèo trên địa bàn. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thành phố đã khởi động lại mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” hoạt động cùng lúc tại 6 địa điểm với mục tiêu cấp đồ cho 16.000 người dân nghèo. Người dân có thể đi siêu thị và chọn hàng theo nhu cầu thực tế thay vì nhận các gói quà có sẵn.
Với hệ thống bán lẻ đang hoạt động hết công suất, thành phố đã huy động các doanh nghiệp logistic tham gia chuỗi bán hàng này cho các khu phố - nơi có các chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động.
Ngày 11/7, đã có 8 xe bán hàng lưu động đi vào hoạt động và hôm nay sẽ tăng thêm 30 xe (theo đề nghị của từng quận, huyện).
“Khi có nhu cầu sẽ nâng quy mô lên gấp đôi mỗi ngày bằng việc huy động năng lực của các doanh nghiệp logistic cùng tham gia Chương trình bán hàng bình ổn lưu động, lấy hàng thông qua Hiệp hội lương thực thực phẩm, các tỉnh cung ứng rau củ quả. Nhiều công ty tình nguyện tham gia và bán hàng với giá thấp hơn giá bình ổn,” Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Vận động xe thư báo và điểm kinh doanh dịch vụ bưu chính của Viettel tham gia chương trình bình ổn, đến nay đã có 32 điểm hoạt động bán hàng cho người dân, bổ trợ các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố.
Sau khi thí điểm tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, Gò Vấp, chương trình “Chợ online nghĩa tình” tiếp tục được mở rộng trên toàn thành phố.
Thành phố cũng đã triển khai điểm trung chuyển hàng hóa tại Thủ Đức - nơi các xe tải vận chuyển rau củ quả, thủy hải sản ở các tỉnh về để chia nhỏ ra các xe tải, cung cấp cho các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố.
“Với những giải pháp trên, trong thời gian tới, thành phố sẽ có nhiều kênh cung ứng lương thực, thực phẩm tại các điểm bán lưu động, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo nhu cầu người dân có thu nhập thấp,” ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Liên quan đến vấn đề cách ly F1 tại nhà, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thành phố đang triển khai phương án cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 ca mắc COVID-19 và 200.000 trường hợp F1, thành phố dự kiến tăng số trường hợp F1 sẽ cách ly tại nhà.
“Thành phố mong muốn Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới đảm bảo điều kiện với sự tham gia giám sát của 17.000 Tổ COVID cộng đồng… Đối với những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư sẽ phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn dịch bệnh,” ông Nguyễn Hữu Hiệp đề nghị.
Quản lý công nhân theo chu trình khép kín
Trước phản ánh của người dân về việc sử dụng giấy xét nghiệm khi di chuyển trên địa bàn thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu tổ chức tốt, đây là giải pháp có tác dụng phòng, chống dịch nhất định. Trong điều kiện hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu điều chỉnh để tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa…
Trên tinh thần “không để bất cứ người dân nào thiếu đói,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, thành phố cần kêu gọi, phát động các doanh nghiệp, người dân hỗ trợ người khó khăn ở xung quanh.
Từ dữ liệu gần 1.400 người có triệu chứng (đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố), Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức các nhà máy sản xuất an toàn là vấn đề cấp bách. Đến nay, thành phố đã cơ bản thiết lập kỷ cương, kiểm soát thực hiện giãn cách xã hội với người dân trong địa bàn dân cư, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, trong thời gian tới phải kiểm soát khu vực sản xuất, tập trung vào khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thành phố cần phân loại những doanh nghiệp có đơn hàng gấp để tổ chức vừa sản xuất, vừa cách ly; quản lý nơi ở, quá trình di chuyển đến nơi làm việc của từng công nhân theo chu trình khép kín.
Trước thực tế ghi nhận số ca mắc nhiều trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý xem xét lại mật độ giãn cách tại đây và yêu cầu phải giãn tối đa mật độ để đảm bảo phòng, chống dịch. Hiện, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà.
Theo phản ánh của người dân, chuyên gia, nhà khoa học, việc cách ly F1 tại nhà là “bước tiến” trong công tác phòng, chống dịch nhưng cần tiếp tục xem xét việc điều chỉnh tiêu chí, điều kiện, quy định hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế cùng thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để thảo luận, đưa ra hướng dẫn mới phù hợp hơn, trên tinh thần “hiệu quả là trên hết.”
Trong công tác điều trị, bên cạnh việc hạn chế số ca tử vong, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng y tế phải theo dõi sát sao các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để các ca này có dấu hiệu nặng lên.
Tại cuộc giao ban, các chuyên gia y tế lưu ý, người tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khoảng 2-3 tuần mới sinh kháng thể.
Do đó, kế hoạch tiêm của Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, ngoài việc tiêm cho các lực lượng nòng cốt phòng, chống dịch, không nhất thiết tiêm tập trung cho những người ở vùng dịch đang lây nhiễm cao; thay vào đó, tiêm cho những người ở các “vùng đệm an toàn” và các nhà máy tổ chức sản xuất an toàn.
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?