Tết làng H'Mông trên đất lành Ya Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-  Trong tiết trời se lạnh sau rằm tháng Giêng, tiếng khèn Mông hòa chung nhịp điệu dân vũ càng khiến lòng người rộn ràng men say như trẩy hội. Ngày Xuân-tháng Tết ở vùng đất Ya Hội-Đak Pơ như được nối dài thêm mãi....

 
Du khách chụp ảnh với các thiếu nữ H'Mông. Ảnh: Sơn Ca
Du khách chụp ảnh với các thiếu nữ H'Mông. Ảnh: Sơn Ca

Đã thành thông lệ, mỗi dịp Rằm tháng Giêng hàng năm cũng là thời điểm bà con làng Mông 1 ở Ya Hội tổ chức ăn Tết làng. Gọi là Tết làng bởi đây là dịp sum vầy, họp mặt đông đủ nhất các gia đình-họ tộc tại khu sinh hoạt cộng đồng trong một ngày. Tết làng được khai mở bằng trò chơi ném còn đầy hào hứng của đám thanh niên trên bãi đất trống, tiếp nối ngay sau đó là điệu dân vũ tươi vui của các cô gái H’Mông trong trang phục truyền thống, hòa nhịp với tiếng khèn rộn rã. Bên mâm cỗ đầu năm, người già có dịp tề tựu ôn cố tri tân với nhau còn người trẻ đồng trang lứa rôm rả chúc nhau ly rượu  với ước mong một năm mới an lành-thuận hòa-no ấm.

Đây đã là mùa Xuân thứ 35 của cộng đồng người H’Mông trên đất lành Ya Hội. Từ 11 gia đình người H’Mông quê gốc Phi Dăm, Phi Hải (Quảng Xuyên-Cao Bằng) đã vượt qua cả ngàn cây số xa xôi để đến an cư lập nghiệp trên vùng đất mới. Trải qua bao khó khăn, vất vả cho đến hôm nay, đã có tới 3 làng người H’Mông (làng Mông 1, làng Mông 2 và làng Ghép) với 663 nhân khẩu chung sống hòa thuận với các dân tộc anh em Kinh, Mường, Bahnar, Tày, Jrai, Dao.

 

Bà con làng Mông 1 đang chơi trò ném còn. Ảnh: Sơn Ca
Bà con làng Mông 1 đang chơi trò ném còn. Ảnh: Sơn Ca
Anh Hồ Viết Phước (quận Tân Bình-TP. Hồ Chí Minh): Trong dịp du Xuân đầu năm, tôi tình cờ được tham dự ăn Tết làng cùng bà con người H’Mông. Quả thật là một trải nghiệm thú vị đáng nhớ của cá nhân tôi khi được xem các cô gái H’Mông múa hát, chơi trò ném còn, được giao lưu trò chuyện với mọi người. Ấn tượng nhất là sự thân thiệt, nhiệt tình của bà con nơi đây.

Trải qua hơn nửa đời người gắn bó đậm sâu với Ya Hội, ông Lý Nguyên Hùng (53 tuổi) vẫn nhớ như y chuyến đi lịch sử từ vùng Đông Bắc về Tây Nguyên: Tôi có người cô lấy chồng người Bahnar tập kết ra Bắc. Hồi đó mọi người có hẹn nhau khi nào đất nước hòa bình thống nhất thì làm một chuyến về thăm quê của người dượng ở Tây Nguyên. Như lời hẹn ước, năm 1982 thì 11 gia đình anh em trong tộc họ Lý đã lên đường vào Tây Nguyên, phải mất hơn 1 tuần vất vả di chuyển bằng cách đi bộ, đi xe đò, đi tàu lửa thì chúng tôi mới đến được Ya Hội-Đak Pơ. Đúng là hữu duyên, chỉ đến đây một lần và gắn bó dài lâu qua nhiều thế hệ.

Bắt đầu khai hoang lập nghiệp để an cư, bà con làng Mông 1 hoàn cảnh giống nhau ở đôi bàn tay trắng. Nhưng nhờ có sự thương yêu giúp đỡ của anh em người Bahnar tại chỗ cộng với tinh thần vượt khó, chăm chỉ làm ăn mà đời sống bà con ngày một khá dần lên khi đất không phụ công người. Bằng sự nhanh nhạy, thích ứng với điều kiện tự nhiên tại chỗ, 100% bà con trong làng sống được bằng nghề trồng lúa nước, canh tác mía, mì, chăn nuôi bò... với diện tích lúa nước xấp xỉ 12 ha, diện tích mía khoảng 40 ha, bình quân mỗi hộ có từ 2 con bò sinh sản. Nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên cộng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương mà các chính sách, chương trình hỗ trợ an sinh xã hội đều đến được với bà con làng Mông 1. Từ thế hệ đầu tiên đặt chân đến Ya Hội, lần lượt thế hệ thứ 2, thứ 3... được chôn rau cắt rốn ở chính nơi này. Theo nhẩm tính của ông Lý Nguyên Hùng, nhờ được Nhà nước hỗ trợ chăm lo về giáo dục, y tế mà con cháu trong làng được học hành đến nơi đến chốn. Hiện tại, đã có 2 em tốt nghiệp đại học, 1 tốt nghiệp cao đẳng, 3 em đang theo học đại học. Một số con em của làng đã trở thành công an, giáo viên, công chức xã.

 

 Ông Lý Văn Tính đang biểu diễn thổi khèn. Ảnh: Sơn Ca
Ông Lý Văn Tính đang biểu diễn thổi khèn. Ảnh: Sơn Ca
Anh Ngô Bá Nghị (Thi hành án Dân sự huyện Đak Pơ): Không chỉ riêng làng Mông 1 tổ chức ăn Tết chung. Các làng Mông 2, làng Ghép cũng có hoạt động văn hóa ý nghĩa như thế này trong dịp đầu Xuân. Đây cũng là dịp mà cơ quan Thi hành án -ốn là đơn vị phụ trách làng Mông 1, cùng với các đơn vị trường học, UBND xã giao lưu, gắn bó thân thiết hơn với bà con, làm phong phú hơn đời sống tinh thần ở xã vùng sâu, vùng xa.

Cũng giống như nhiều tộc người định cư khác, trải qua nhiều năm gắn bó-hội nhập ở vùng đất mới nên nếp nghĩ, phong tục, giọng nói miền Đông Bắc đã phần nào phai nhạt ở thế hệ trẻ làng Mông 1. Thế nên, những người cao niên ở làng như ông Lý Văn Tính (66 tuổi) vẫn đau đáu tâm tư cho việc giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc mình. Là người thổi khèn duy nhất ở làng Mông 1 nên ông rất nhiệt tình truyền dạy kỹ thuật thổi, bài thổi cho lớp thanh niên trong mỗi dịp rảnh rỗi. Với ông, tiếng khèn không chỉ nhắc nhớ quê hương bản quán mà còn dùng trong dịp ma chay, lễ tiết của riêng người H’Mông. “Tụi nhỏ bây giờ thích chạy xe máy, thích đi chơi ở phố chứ không ham thổi khèn. Mà thổi khèn đã là phong tục tập quán thì làm sao mình bỏ được chứ”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm