Tết của người xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những người sống xa quê hương, không khí sum vầy, đầm ấm bên gia đình chính là “vị của Tết”. Để rồi, dù sống ở đâu trên thế giới, họ vẫn da diết nhớ vị Tết quê nhà, đặc biệt là trong khoảnh khắc đón chào năm mới.

Những mùa Tết xa xứ

Xa Gia Lai chẵn 40 năm, ông Nguyễn Trọng (SN 1952, hiện sinh sống ở bang Ohio, Mỹ) chia sẻ: “Ngày Tết làm con người cảm thấy hạnh phúc trong không khí đoàn viên cùng người thân. Tết ăn sâu vào tâm hồn mỗi người cũng từ cái tình gia đình, tình quê hương. Nên khi ra nước ngoài sinh sống, tôi da diết nhớ cái không khí đầm ấm của Tết Việt”.

minh-chau.jpg
Ông Nguyễn Trọng (thứ 7 từ phải sang) luôn nhớ không khí đoàn viên dịp Tết cổ truyền của dân tộc (ảnh nhân vật cung cấp).

Ở tuổi ngoài 70 và có hơn nửa đời người sống trên đất Mỹ, nhưng khi nhắc nhớ về Tết Việt, ông Trọng vẫn không giấu được sự xúc động. Ông bày tỏ: “Điều tôi nhớ nhất cái Tết ở Gia Lai, đó là bà con họ hàng quây quần chúc Tết, mừng tuổi trẻ con, chúc thọ người già, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp. Trong năm, dù xảy ra cự cãi, hờn giận gì, tới ngày Tết nâng ly rượu xuân là bỏ qua hết. Với tôi, Tết còn là dịp gắn kết tình thân”.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người Việt ở Ohio còn khá thưa thớt. Ông Trọng vẫn đùa rằng, Tết ở Gia Lai có bông mai, Tết ở Ohio có bông tuyết. Dịp Tết, vợ ông thường tự tay làm những hũ dưa kiệu đầy màu sắc. Xa quê hương, ai cũng cảm thấy thiếu thốn tình cảm nên người Việt Nam luôn tìm đến với nhau trong những ngày Tết.

Mỗi gia đình góp một món ăn đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, sau đó cùng ăn uống, trò chuyện tạo ra không khí ấm áp, sum vầy. Tình đồng hương lấp đầy nỗi trống trải trong lòng người Việt xa xứ. Nhưng chính trong những giây phút ấy, ông càng da diết nhớ cái Tết quê hương Gia Lai, nơi ông còn có cha mẹ già, anh em ruột thịt.

Ông Trọng bồi hồi: “Trước đây, gia đình tôi sống trong xóm nghèo ở phường Trà Bá. Cha đi tập kết ở miền Bắc nên tuổi thơ chúng tôi đón Tết thiếu vắng cha. Nhà nghèo nhưng mẹ luôn chắt chiu để con có bánh chưng, bánh tét, củ kiệu. Tuy thiếu thốn nhưng dẫu sao cũng đón Tết cùng gia đình, quê hương”.

Cháy bỏng nỗi nhớ quê, ông Trọng hướng về nguồn cội thông qua các chương trình thiện nguyện. Từng trải qua cái nghèo nên ông rất thấm cảnh nghèo. Vì vậy, ông muốn sẻ chia tấm lòng với đồng bào còn khó khăn. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng hiện nay, ông vẫn đi làm thêm 1 tuần 3 buổi và dành toàn bộ số tiền làm thêm này gửi về Gia Lai giúp đỡ những trường hợp khó khăn, hoạn nạn.

Chị Nguyễn Thái My (416 Hùng Vương, TP. Pleiku)-Trưởng nhóm Hành trình sẻ chia tại Gia Lai-cho biết: “Lần đầu tiên tôi gặp chú Trọng trong chương trình thiện nguyện tại Gia Lai. Chú cứ nhắc hoài con người, quê hương với tình cảm trìu mến. Chú nói thích về Việt Nam thường xuyên hơn vì ở đây chú còn mẹ già 102 tuổi. Do chi phí đi lại khá cao nên chú tiết kiệm để giúp đỡ thêm những cảnh đời còn khó khăn.

Sau cơn bão số 3 vừa qua, chú kêu gọi bà con kiều bào ủng hộ 2 ngàn USD gửi về hỗ trợ đồng bào miền Bắc. Hay mới đây, chú gửi 1 ngàn USD tiết kiệm để giúp đỡ những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Ở Mỹ, cô chú rất hiếm khi đi ăn ngoài mà tự trồng rau, nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

Kỷ niệm ngày cưới nhưng cô chú không tổ chức mà dành tiền hỗ trợ xây nhà cho những trường hợp khó khăn tại Gia Lai. Cô chú lớn tuổi như vậy nhưng tiết kiệm từng đồng gửi về quê hương giúp đỡ bà con nghèo. Tình cảm đó khiến tôi vô cùng xúc động”.

Đón Tết Việt ở Paris

Người già có tâm lý muốn trở về nguồn cội, còn người trẻ thường thích bay nhảy, đi đây đó, hướng ngoại. Nhưng dù là ai thì sự kết nối trái tim người Việt khắp nơi trên thế giới đó chính là Tết. Làm việc trong ngành nhà hàng, khách sạn thuộc Groupe Gérard Joulie tại Paris (Pháp), chị Trần Thị Thảo (quê ở thôn 9, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: Tết cổ truyền luôn có ý nghĩa rất đặc biệt. Cộng đồng người Việt ở Paris khá đông nên thường tổ chức đón Tết qua nhiều hoạt động như một nỗ lực gìn giữ văn hóa nơi xứ người.

Ở đây có các khu chợ châu Á bán không thiếu món ăn truyền thống nào để đón Tết như bánh chưng, bánh tét, giò, chả, có cả hoa mai, hoa đào. Chỉ cần đi chợ Việt giữa lòng Paris vào ngày Tết sẽ cảm nhận rất rõ không khí rộn ràng của ngày xuân.

Sống và hòa nhập với văn hóa nước sở tại nhưng người Việt Nam luôn duy trì truyền thống đón Tết cổ truyền, đề cao bản sắc văn hóa Việt. Chị Thảo chia sẻ: “Người Việt Nam sống ở Paris có nhiều hội nhóm như hội sinh viên, hội cộng đồng người Việt, hội các bà mẹ Việt ở Pháp…

Vào dịp Tết cổ truyền, các hội nhóm đều có các hoạt động đón Tết Việt rất vui, như tổ chức lễ hội Tết Việt, phiên chợ Việt, lễ hội gói bánh chưng. Không chỉ người Việt mà còn mời cả các bạn Pháp cùng tham gia gói bánh, luộc bánh, thưởng thức và cảm nhận Tết Việt để hiểu hơn văn hóa của Việt Nam”.

2nvcc.jpg
Chị Trần Thị Thảo luôn mang theo bộ áo dài truyền thống để tham gia các hoạt động văn hóa Việt Nam tại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp).

Những bạn trẻ xa quê hương như chị Thảo luôn ý thức mạnh mẽ truyền thống văn hóa dân tộc. Chị tâm sự: “Tôi rất may mắn khi ở đây có nhiều bạn bè, người thân thiết như gia đình. Đó là cách nhanh nhất để hội nhập khi sống giữa một thành phố vừa sôi động vừa có bề dày văn hóa như Paris.

Xa xứ nhưng được sống giữa cộng đồng người Việt, vui buồn gì cũng được chia sẻ, tôi thấy vững vàng, không bị lạc lõng trong môi trường mới. Ngược lại, mỗi cá nhân cũng phải tích cực tham gia các hoạt động do cộng đồng người Việt tổ chức, nhất là những hoạt động văn hóa lớn như đón Tết cổ truyền”.

Tết Ất Tỵ này là năm thứ 3 chị Thảo đón Tết Việt tại Paris. Xa quê hương, gia đình của chị chính là cộng đồng người Việt Nam. Chị háo hức cùng mọi người trang trí không gian mang đậm hồn Tết Việt, chuẩn bị mâm cơm với đầy đủ món ăn truyền thống, cảm giác nồng ấm như được đón Tết nơi quê nhà.

Đón Tết Nguyên đán là một trong những hoạt động văn hóa lớn nhất của Hội người Việt Nam tại Paris, thu hút đông đảo người Việt xa xứ tham gia. Từ đó thêm gắn kết tình đồng hương, đồng bào và cùng hướng về quê hương, nguồn cội trong thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

Có thể bạn quan tâm

Hội xuân Tết ấm 2025 mang niềm yêu thương trọn vẹn đến Làng trẻ em SOS Pleiku

Hội xuân Tết ấm 2025 mang niềm yêu thương trọn vẹn đến Làng trẻ em SOS Pleiku

(GLO)- Chiều tối ngày 30-1 (mùng 2 Tết Ất Tỵ 2025), Làng trẻ em SOS Pleiku (phường Yên Thế, TP. Pleiku) trở nên rộn ràng và ấm áp hơn nhờ buổi gặp mặt đầu xuân Ất Tỵ và Hội Xuân Tết Ấm 2025. Chương trình mang đến nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa dành cho 123 em nhỏ trong ngày đầu năm mới.

Tết Việt quyến rũ người phương xa

Tết Việt quyến rũ người phương xa

"8 năm làm việc tại Việt Nam, đã có 7 năm tôi và gia đình ăn tết Việt. Tết Việt đưa tôi về ký ức tuổi thơ, về hoài niệm những tháng ngày gian khó, nhưng đượm tình" - Sophia Shih, cán bộ ngoại vụ đến từ Đài Loan, chia sẻ về nguyên cớ khiến bà yêu, mê đến ngất ngây cùng tết Việt.

Minh niên khai bút, bút thần

Minh niên khai bút, bút thần

(GLO)- Hồi lớp hai, lớp ba, khi đang học trường tư, cậu tôi- thầy Đầm ( hiệu trưởng và cũng là thầy dạy) bao giờ cũng giảng giải tục minh niên khai bút để khích lệ tinh thần học tập của đám trò nhỏ ngay từ ngày đầu năm mới.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Sẻ chia với bệnh nhân nghèo dịp Tết

Sẻ chia với bệnh nhân nghèo dịp Tết

(GLO)- Vì bệnh tật nên nhiều người phải nằm điều trị tại các bệnh viện ở tỉnh Gia Lai trong dịp Tết. Thấu hiểu và sẻ chia với bệnh nhân, nhiều nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đã làm ấm lòng bệnh nhân những ngày Tết đến, Xuân về.

Trắng đêm ở chợ hoa xuân

Trắng đêm ở chợ hoa xuân

(GLO)- Khi màn đêm buông xuống và sương lạnh bao phủ phố núi Pleiku, cũng là lúc những tiểu thương bán hoa tại chợ hoa xuân Ất Tỵ 2025 (phường Hội Thương, TP. Pleiku) lại thức trắng đêm để mưu sinh.

Không khí nhộn nhịp tại chợ hoa Tết An Khê. Ảnh: N.M

Gia Lai nhộn nhịp không khí mua sắm Tết

(GLO)- Tết càng đến gần thì không khí mua sắm càng sôi động, nhộn nhịp. Mỗi người đều chọn mua những loại hàng hóa, chậu hoa, cây cảnh ưng ý với mong muốn một năm mới may mắn, hanh thông.