(GLO)- Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm đầu mùa khô, tiết trời thường hanh nắng, nguy cơ cháy nổ rất cao. Vì vậy, những tháng trước, trong và sau Tết là thời gian mà cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Gia Lai “căng mình” túc trực, sẵn sàng chiến đấu với “giặc lửa”.
Tiếng kẻng đêm Giao thừa
Lực lượng PCCC và CNCH dập tắt một đám cháy. Ảnh: T.T |
Tôi gặp những người lính cứu hỏa ấy vào một chiều cuối năm. Họ là những thanh niên tuổi đời mới 19, đôi mươi vui tính, yêu đời. Nói về kỷ niệm khi trực Tết, Trung sĩ Lại Đình Khanh-Đội Chữa cháy trung tâm hóm hỉnh kể: “Lúc đó, chúng tôi vừa trực lễ bắn pháo hoa mừng năm mới 2015 về thì có kẻng báo cháy tại đường Hùng Vương (TP. Pleiku). Nguyên nhân là do người nhà bật bếp nấu ăn nhưng ống dẫn gas đã mòn rỉ, lửa trên bếp bén vào ống dẫn đang xì gas gây cháy. Chúng tôi vừa đến hiện trường liền xông vào, lúc đó những người trong nhà tá hỏa chạy ra ngoài vì sợ bình gas nổ. Sau khi anh em xịt mát bình gas, tôi xách 2 “quả bom” ấy khỏi nơi hỏa hoạn, đặt nó xuống mà thở phào”.
Đó chỉ là một trong những vụ cháy xảy ra do bất cẩn khi sử dụng lửa. Trong tháng 12-2015, toàn tỉnh có 4 vụ cháy tương tự làm thiệt hại hàng chục triệu đồng. Trong dịp Tết Dương lịch 2016, tại nhà số 120 Lê Thánh Tôn bị cháy do rò rỉ bếp gas. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã xuất 2 xe cùng 15 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng khống chế ngọn lửa nên không có thiệt hại lớn xảy ra. Tết Nguyênđđán quy tụ lượng người và lượng hàng hóa cao nên công tác phòng cháy chữa cháy càng trở nên cấp thiết. Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Những ngày này, bên cạnh tuyên truyền phòng-chống cháy nổ tại khu dân cư, đơn vị chú trọng hướng dẫn các biện pháp PCCC đến các cơ sở trọng điểm về cháy nổ như tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… Đồng thời tăng cường huấn luyện công tác chuyên môn cho anh em trẻ, duy trì trực 24/24 giờ đảm bảo lực lượng, phương tiện để phản ứng nhanh, hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra. Thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ trẻ xa nhà khi mùa Xuân sắp đến, lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để anh em đón Tết đầy đủ, ấm cúng”.
Tết xa nhà
Tổ chức gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: T.T |
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh có 63 chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó Đội Chữa cháy trung tâm là 32 người. Đây là đội ngũ trực tiếp cầm vòi rồng chiến đấu với “giặc hỏa” trong hầu hết các tình huống. Dịp gần Tết, không khí ở đơn vị như khẩn trương, sôi động hơn. Sau giờ huấn luyện, kiểm tra, bảo dưỡng xe, phương tiện, các chiến sĩ trẻ cùng nhau dọn vệ sinh khuôn viên đơn vị. Thượng sĩ Trương Tuấn Anh-Đội Chữa cháy trung tâm bộc bạch: “Cuối năm, chúng tôi thường tổ chức gói bánh chưng. Cảm giác khi cầm trên tay chiếc bánh tự tay mình gói vui lắm. Có năm không tự gói được thì bà con, anh em đem cho. Tết này tôi không về thì chỉ có bố mẹ đón năm mới với nhau. Tôi cũng nhớ nhà, nhưng anh em ở đây đều thế cả. Lúc chiến đấu, đồng đội luôn bên cạnh, khiến tôi yên tâm, dũng cảm hơn. Vậy nên được cùng anh em đón Tết, tôi rất vui.” Còn Trung sĩ Lại Đình Khanh tâm sự: “Tôi quê ở Hải Dương, nhập ngũ tháng 12-2014 và đã đón một cái Tết xa nhà. Tôi nhớ năm nào cúng Giao thừa, bố mẹ cũng lì xì cho tôi và em gái. Dù anh em tôi đều đã lớn tướng, nhưng lúc ấy thấy mình như bé lại. Tết trực ở đơn vị, tôi rất nhớ những bữa cơm mẹ nấu. Bố mẹ tôi đón Tết vắng con chắc hẳn buồn hơn, nhưng tôi biết bố mẹ sẽ tự hào khi tôi xa gia đình để góp sức bảo vệ bình yên cho mọi người”.
Những người lính cứu hỏa thường tổ chức gặp mặt cuối năm sớm để đêm Giao thừa làm nhiệm vụ trực bắn pháo hoa. Tết của họ cũng có hoa quả, bánh chưng, dưa kiệu… Những tay ghi ta cừ nhất đơn vị được “trưng dụng” đệm đàn để anh em cất tiếng hát mừng Đảng, mừng Xuân. Những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi sau đó, họ trò chuyện, kể cho nhau nghe về gia đình, về cái Tết ở quê mình. Những người lính bình thường vui tính ấy lúc này trở nên trầm lặng hơn. Dường như ai cũng đang theo đuổi ký ức riêng của mình. Ai đã từng sống xa nhà, có lẽ sẽ dễ hình dung tâm trạng của họ vào những thời khắc như thế. Có thể cảm nhận được nỗi nhớ, nỗi cô đơn làm cho người ta khát khao đến cháy bỏng về hạnh phúc đơn sơ khi được đoàn tụ bên gia đình.
Thúy Trinh