Mùa khô mới bắt đầu nhưng nhiều nguồn nước tưới đã cạn kiệt. Dự báo các địa phương ở Tây Nguyên sẽ đối mặt với hạn nặng vào giữa tháng 3 này.
Chiều 6-3, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết nhiều nơi ở tỉnh này đang bị khô hạn, thiếu nguồn nước tưới.
Tại thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, Krông Năng (Đắk Lắk), anh Lò Văn Kiên sốt sắng đi kiếm chỗ đặt máy bơm nước vì con suối trước nhà đã cạn kiệt, trong khi hồ nước cách nhà anh gần 1km đã trơ đáy.
"Ra tết đến giờ mới tưới được 2 đợt nhưng mọi nguồn nước đã cạn kiệt. Vườn cà phê đã có nhiều cây héo rũ, vàng lá nhưng chưa biết lấy nước đầu về để cứu cây", anh Kiên lo lắng.
|
Anh Lò Văn Kiên phải phá bỏ phần lớn diện tích cà phê trong tổng số hơn 1ha đất của gia đình vì không đủ nguồn nước đảm bảo cho vụ này - Ảnh: TRUNG TÂN |
Ông Lê Văn Hiển, phó chủ tịch UBND xã Ea Đăh, cho biết toàn xã có khoảng 3.000 hecta cây trồng nhưng nguồn nước từ hai công trình thủy lợi, một con suối chỉ đáp ứng được khoảng 50-100 ha.
Lâu nay, người dân phải tự túc nguồn nước nhưng đến giờ phần lớn ao hồ, giếng khoan đã gần chạm đáy. "Đến giữa tháng 3 này, nếu không có mưa thì hàng ngàn hecta cây trồng tại xã có nguy cơ chết khô", ông Hiển dự báo.
|
Nhiều hồ chứa tại Đắk Nông đã cạn trơ đáy - Ảnh: ĐỨC LẬP |
Ông Mai Trọng Dũng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể diện tích cây trồng bị khô hạn, các công trình thủy lợi vẫn còn cung cấp nước tưới 1-2 đợt nữa. Tuy nhiên, nhiều địa phương sẽ thiếu nước trầm trọng vào giữa tháng 3-2020.
Còn ông Nguyễn Văn Dần, phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông, cho biết đang triển khai luân chuyển nguồn nước từ những nơi còn đảm bảo về những nơi khô kiệt để cứu cây trồng.
Về lâu dài, địa phương đang gấp rút hoàn thành các dự án thủy lợi bằng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác, sớm đưa công trình vào sử dụng để chống hạn.
Nhiều hồ chứa đã trơ đáy
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông, tổng dung tích của 238 hồ chứa của tỉnh khoảng 35 triệu m3, đến nay chỉ còn khoảng 77%. Nhiều hồ đã ở mực nước chết.
Tình trạng thiếu nước có nguy cơ lan ra trên diện rộng với gần 15.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là Cư Jut với khoảng 5.000 ha, Krông Nô với 2.500 ha và Đắk Mil hơn 1.000 ha.
|
Vườn cà phê của gia đình ông Lương Văn Dục, thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, Krông Năng (Đắk Lắk) đã bị vàng úa. Ông Thủ nói tưới hết đợt này là hồ cạn - Ảnh: TRUNG TÂN |
|
Nhiều diện tích cây trồng ở Cư Jut, Đắk Nông đã bị chết cháy do khô hạn. Cư Jut là địa phương có khoảng 5.000 ha cây trồng đứng trước nguy cơ bị hạn - Ảnh: TRUNG TÂN |
|
Ao hồ, sông suối tại Cư Jut cũng đã sắp cạn kiệt - Ảnh: TRUNG TÂN |
|
Tuy vẫn còn nguồn nước để bơm tưới 1-2 đợt nữa nhưng một hộ dân có trang trại tại xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk đã đào thêm một ao lớn để tích trữ nguồn nước dự phòng cho cây trồng - Ảnh: TRUNG TÂN |
Theo TRUNG TÂN (TTO)