Bác sĩ Dương Minh Tuấn công tác tại bệnh viện Vạn Hạnh, TP. Hồ Chí Minh đã có tâm sự về những nỗi đau ở bệnh viện, đó không còn là cái chết của người bệnh mà còn là nỗi ân hận của người ở lại.
Cấp cứu ca bệnh xuất huyết tiêu hóa, Ảnh minh họa |
Xin trích đăng lại chia sẻ của bác sĩ Minh Tuấn cùng với tâm sự của anh ở nơi giữa sự sống và cái chết.
Nỗi đau của bà mẹ bị ung thư phổi
Giường bệnh nho nhỏ trong phòng bệnh cuối khoa vừa tiễn biệt một người mẹ 54 tuổi. Cô được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối cách đây khoảng 6 tháng, nhập viện do suy hô hấp, thể trạng suy kiệt nặng, tưởng như chỉ cần một cái chạm nhẹ thôi cũng đủ làm cô đau đớn lắm.
Nhà cô nghèo, có ông chồng hiền lành và hai cậu con trai rất ngoan, có điều cả chồng và hai con đều nghiện thuốc lá.
Cô móm mém cười kể 20 năm sống trong mùi thuốc mãi cũng thành quen, có ngày không thấy bố con nó hút mà mình lại thấy thiếu.
Nhập viện được 5 ngày thì cô bắt đầu đi vào hôn mê do rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hóa, hồi sức tích cực thất bại, các bác sĩ lắc đầu.
Cả ba bố con ngày đưa mẹ về nức nở bên giường bệnh: "Giá mà tôi không hút thuốc thì tụi nhỏ đâu có bắt chước để rồi bà phải chịu cực thay thế này?". Mình đứng nhìn chỉ biết xót xa.
Những bữa nhậu hết mình
Chú nghiện rượu ngày uống 1-2 lít là chuyện bình thường, bữa nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa nôn ra cả một bát tô máu như tiết lợn thế mà vẫn cười khà khà bảo bác sĩ truyền cho tôi tí máu vào là ổn. Nội soi cầm máu thành công rồi chú được chuyển về khoa điều trị tiếp.
Bữa mấy ông bạn nhậu của chú vào thăm làm phòng bệnh rôm rả hẳn lên, chú vui như hết bệnh. Mấy ông bạn kể vợ chú ốm yếu nên chú là trụ cột trong nhà, lo đi làm đủ thứ nghề nuôi vợ, nuôi con lớn học đại học trên thành phố, nuôi thằng thứ đang học cấp hai, nuôi bé út mới được 2 tuổi rưỡi, thế rồi mỗi tối vẫn tranh thủ ngồi uống với anh em được nên quý nhau lắm.
Nói thế là mấy ông cùng cười vang, tiếng cười còn dang dở thì chú lại nôn thốc ra một bát tô máu như tiết lợn, lần này chú không cười nữa, mệt rồi thiếp đi dần. Dù đã nội soi cầm máu thành công mà chú đi vào hôn mê gan nặng quá nên bác sĩ lại lắc đầu.
Ngày đưa chú về thấy mấy ông bạn ôm giường nức nở: "Biết mày thế này tụi tao đâu có rủ đi uống rượu làm gì? Giờ rượu còn đó mà ai uống cùng nữa đâu?". Vợ con chú thì chỉ ôm nhau ngồi khóc ở một góc đằng xa, đau đớn lắm.
Chết đi sống lại vì thuốc lá
Mình bắt gặp bác đứng hút thuốc ở hành lang, còn chưa kịp nói gì thì bác đã vội phân bua: "Ôi chào bác sĩ! Tôi thèm quá không chịu nổi nên trốn ra đây làm một hơi thôi!", nói rồi bác vội dập điếu thuốc rồi nhanh nhẹn đi vào phòng. Bác nghiện thuốc lá 40 năm rồi, ngày trung bình 1 bao. Bữa bác nhập viện bù lu bù loa cả lên vì bác kêu khó thở mà không hiểu sao mấy thằng bác sĩ lại nhét bác vào khoa tim mạch rồi bảo theo dõi nhồi máu cơ tim.
Cậu con trai duy nhất của bác sắp tốt nghiệp trường y nên bác mong mỏi ra viện sớm còn về dự kịp: "Tôi hút thuốc 40 năm nay rồi, bạn hút cùng cũng nhiều mà chưa bao giờ nghe nói thuốc lá lại gây ra bệnh về tim cả. Bác sĩ giờ tệ ghê! Chắc chỉ hi vọng đến thế hệ con trai tôi ra trường!".
Bác nhập viện theo dõi đến ngày thứ 3 thì lên cơn đau ngực, may mắn sao đẩy thẳng được vào phòng can thiệp mạch cấp cứu nên qua khỏi. Vậy là bác vẫn kịp dự lễ tốt nghiệp của cậu con trai.
Một tháng sau quay lại tái khám, bác khỏe đã bỏ thuốc lá được cả tháng nay rồi: "Bữa đó tôi cảm giác như chết đi sống lại thêm lần nữa! Giờ tôi không muốn bỏ lỡ thêm một khoảnh khắc quan trọng nào nữa trong đời của con trai mình bác sĩ ạ!". Cậu con trai đưa bố đi khám hôm ấy vội xin phép đi ra ngoài, mắt đỏ hoe, còn nỗi vui nào vui hơn thế?
Có một điều mình tìm được trong những tháng ngày ở bệnh viện là ở đây có rất nhiều nỗi đau, từ những nỗi đau thể xác cho đến nỗi đau tinh thần, và ngay cả các bác sĩ cũng biết đau nữa. Nỗi đau có thể giết chết một con người nhưng đôi lúc, nó cũng có thể cứu sống những người vốn đã chết rồi nhưng vẫn tưởng như mình còn đang sống.
Nỗi đau bằng một sức mạnh vô hình nào đó có thể đánh thức dậy trong mỗi người những năng lực yêu thương mà bản thân họ đã đánh mất từ lâu: Yêu thương cuộc đời, yêu thương những người xung quanh, yêu thương chính bản thân mình.
Chắc vì thế mà chăm sóc giảm đau trong y khoa cũng là một môn học chuyên sâu, một thứ nghệ thuật cần phải trau dồi và rèn luyện qua năm tháng.
Những chuyện diễn ra trong bệnh viện cũng như một cuộc đời thu nhỏ vậy, mà đôi lúc mình ước sao người ta sống trên đời không cần phải đợi đến khi gặp một nỗi đau thực sự mới biết bản thân cần thức tỉnh.
Theo Infonet