(GLO)- Tôi gặp Dung rất vô tình khi phỏng vấn các thí sinh sau môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa). Câu chuyện của em ám ảnh tôi, ngay trong những ngày thi và Ngày Gia đình Việt Nam 28-6…
Dung (không đeo kính) trao đổi bài thi môn Địa lý với cô bạn thân tên Trang. Ảnh: Lê Hòa |
Cử chỉ e dè, gương mặt đượm buồn của em khiến tôi để ý. Ngay khi PV đặt vấn đề, Dung trở nên rụt rè một cách khó hiểu. Lúc ấy, bạn bè đi bên cạnh xúm vào động viên Dung: “Cậu mạnh dạn lên! Cứ tự tin lên!...” khiến tôi linh cảm có một câu chuyện gì đó đang diễn ra với cô bé này.
“Em không dự thi Đại học nên kết quả làm bài trong kỳ thi vừa qua em nghĩ mình hoàn thành mục tiêu rồi ạ”-Dung bắt đầu câu chuyện. Dung từng có một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống tương đối đủ đầy như bao bạn nhỏ cùng trang lứa. Nhà Dung có 3 chị em, Dung là chị cả. Thế rồi bước vào năm học cấp 3, ba mẹ Dung chia tay. Em và một người em nữa theo mẹ, đứa em còn lại ở với bố. Từ khi bố mẹ ly dị, 3 mẹ con chuyển qua ở trọ trong một căn nhà thuê ở đường Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa). Mẹ sức khỏe yếu, không có công việc ổn định nên cuộc sống 3 mẹ con hết sức khó khăn, việc học thêm ngay cả những năm cuối cấp 3 đối với Dung dường như là xa xỉ… Cũng chính bởi thế, Dung quyết định sẽ nghỉ 1 năm, đi làm việc gì đó để kiếm tiền rồi sang năm mới tính tiếp.
Kết thúc kỳ thi, dù kết quả tạm hài lòng nhưng gương mặt Dung không một chút vui. Nước da của em xanh xám vì mệt mỏi. “Mấy nay mẹ em xin được một công việc làm nhưng cũng chưa thể ổn định. Em trai em sang năm lên lớp 10, nó sẽ cần được quan tâm và lo toan nhiều hơn. Em sẽ đi làm phụ mẹ để lo cho nó thật tốt, rồi sang năm em bắt đầu cũng chưa muộn”-Dung nói về dự định. Hiện tại, Dung chưa biết sẽ làm công việc gì để kiếm ra tiền theo như dự tính, em chỉ biết, thi xong sẽ lên phố tìm xem nơi nào cần tuyển người và có công việc vừa sức thì em sẽ làm.
Nói về ước mơ nghề nghiệp trong tương lai, Dung nói rằng, em mơ ước sau này sẽ là một cô sinh viên trường Luật, được trở thành một Luật sư. “Em sẽ cố gắng kiếm tiền rồi thực hiện ước mơ đó sau một vài năm nữa”-chia sẻ của Dung không giấu được sự rụt rè, bởi dường như chính em cũng không dám chắc mình có thể vượt qua nổi những khó khăn như hiện tại để thực hiện hay không? Vì theo em, sau khi ly dị, vườn rẫy mẹ em cũng bán rồi. Mẹ lại hay đau bệnh. “Mẹ em ốm yếu xưa giờ, làm rẫy cũng không đủ sức”-giọng Dung buồn rượi.
…Tôi chia sẻ với Dung rằng, với người Việt Nam chúng ta, ngay kể cả khi bước chân vào giảng đường Đại học vẫn nhận sự chu cấp, lo lắng của cha mẹ. Dường như rất ít bạn tự thân vận động được khi bước vào cánh cửa Đại học. Vậy nhưng em các nước phương Tây, các bạn 18 tuổi trở lên đã phả vừa học, vừa làm để kiếm tiền trang trải học phí, dù gia đình các bạn không hề thiếu thốn. Đó không phải là khổ, mà là sự rèn giũa, trải nghiệm khi bước qua tuổi trưởng thành. Em hãy suy nghĩ lạc quan như thế để phấn đấu!
Dung ngưỡng mộ một chị cùng xóm, lớn hơn Dung 1 tuổi. “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng biết tự lập vươn lên và tự lo được cho mình. Em sẽ học tập chị ấy!”-Dung nói.
…Một cô trò ngoan, có ước mơ, có hoài bão và 18 tuổi đã phải tạm gác lại giấc mơ của riêng mình vì áp lực cuộc sống, vì những hậu quả bởi biến cố gia đình. Nghe câu chuyện của em, lòng tôi chợt dâng lên niềm thương cảm và mong có một ai đó nghe thấy câu chuyện này của em và giúp em trên một đoạn đường nào đó phía trước…
Lê Hòa