Vì sao giới trẻ sẵn sàng chi nhiều tiền để 'đu idol'?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Muốn trải nghiệm cảm giác đến gần với idol, nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt hay hòa mình vào không khí cuồng nhiệt... là những lý do chính khiến giới trẻ sẵn sàng chi tiền để tham gia thưởng thức các đêm concert, sự kiện âm nhạc trực tiếp có những ca sĩ nổi tiếng mà mình hâm mộ. 

Dàn “anh trai” Soobin Hoàng Sơn, Binz, Quân A.P, Bùi Công Nam, Phạm Anh Duy… xuất hiện trong chương trình “Dốc Mộng Mơ - Mars in" vừa qua đã thu hút hàng chục nghìn bạn trẻ.
Dàn “anh trai” Soobin Hoàng Sơn, Binz, Quân A.P, Bùi Công Nam, Phạm Anh Duy… xuất hiện trong chương trình “Dốc Mộng Mơ - Mars in" vừa qua đã thu hút hàng chục nghìn bạn trẻ.

Thời gian qua, sự "so kè" của hai concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" cũng tạo nên "sức nóng" trong giới trẻ. Những sự kiện âm nhạc trực tiếp được tổ chức ngày càng nhiều cũng đã kích thích văn hóa thần tượng với nhiều trải nghiệm âm nhạc khác nhau cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ cất công săn vé, sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 3-4 lần... so với giá vé niêm yết để được trải nghiệm cảm giác trực tiếp có mặt tại concert của các thần tượng.

Muốn trải nghiệm cảm giác gần gũi với idol

Tại một concert diễn ra cuối tuần qua, có mặt từ sớm để check-in, bạn Trần Thu Hà - sinh viên năm 4 của Học viện Tài chính hào hứng nói: "Mình rất mong chờ và mong muốn được trải nghiệm cảm giác gần gũi với idol và sống trong không khí cuồng nhiệt".

Theo Hà, concert không chỉ là nơi thưởng thức âm nhạc, mà còn là cơ hội để fan hâm mộ kết nối với thần tượng và cộng đồng người hâm mộ khác. Vì vậy, Hà sẽ chọn lọc những sự kiện đặc biệt với nghệ sĩ mình yêu thích nhất. Mỗi năm, cô bạn thường tham dự 1 - 2 concert tùy thuộc vào thời gian và tài chính.

Mức chi phí sẵn sàng bỏ ra cho một concert sẽ phụ thuộc vào độ yêu thích với nghệ sĩ, chất lượng chương trình, và trải nghiệm mong đợi nhận được. Ngoài ra, chi phí cũng liên quan đến giá vé, vị trí chỗ ngồi, và các chi phí kèm theo như di chuyển, ăn uống...

"Khi tham dự concert, mình cảm thấy vô cùng phấn khích và hạnh phúc. Những khoảnh khắc được hòa mình vào âm nhạc sống động và chứng kiến thần tượng biểu diễn trực tiếp mang đến cảm giác mãn nguyện khó tả. Cảm xúc này không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống mà còn tiếp thêm năng lượng tích cực cho tuần mới", Hà nói.

Bạn Trần Thu Hà - sinh viên năm 4 của Học viện Tài chính check-in tại concert Dốc Mộng Mơ được tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Ảnh: Diệu Nhi
Bạn Trần Thu Hà - sinh viên năm 4 của Học viện Tài chính check-in tại concert Dốc Mộng Mơ được tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Ảnh: Diệu Nhi
Giới trẻ thích xu hướng trải nghiệm cảm giác gần gũi với idol.
Giới trẻ thích xu hướng trải nghiệm cảm giác gần gũi với idol.

Hòa mình vào không khí cuồng nhiệt để "chữa lành"

Bạn Trần Mai Linh (23 tuổi, đến từ Hà Nội) cho rằng, việc dành thời gian và chi tiền để "đu idol" không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là cách nuôi dưỡng cảm xúc và tạo động lực trong cuộc sống. Mặc dù vậy, có những lúc Linh phải đối mặt với sự phê phán từ gia đình hoặc bạn bè, nhưng đó là cách cô bạn tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.

"Hòa mình vào âm nhạc, ánh sáng, và không khí cuồng nhiệt của đám đông là cách chúng mình giải phóng năng lượng tiêu cực và tận hưởng niềm vui. Tiếng hò reo, sự phấn khích của cả cộng đồng fan giúp mình tạm quên đi những lo toan thường ngày", Linh nói.

Mặt khác, thần tượng của mình còn đem đến nguồn năng lượng qua bài hát, thông điệp tạo ra dòng chảy năng lượng tích cực. Ngoài ra, việc “đu idol” còn là một cầu nối giúp Linh tìm thấy những người bạn cùng chung đam mê. “Mỗi lần tham gia concert hay sự kiện giao lưu, mình cảm nhận được sự gắn kết đặc biệt với cộng đồng fan. Đó không chỉ là sự đồng cảm, mà còn là nguồn động viên và sẻ chia chân thành giữa những người yêu thương thần tượng theo cách riêng của họ”, cô bạn chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ hòa mình vào không khí cuồng nhiệt của concert như một cách để "chữa lành".
Nhiều bạn trẻ hòa mình vào không khí cuồng nhiệt của concert như một cách để "chữa lành".

Chia sẻ quan điểm về việc sẵn sàng chi tiền theo đuổi thần tượng hay còn gọi là "đu idol" của giới trẻ hiện nay, Linh cho rằng, đây không phải là một hiện tượng mới. Ở bất kỳ thời đại nào, việc ngưỡng mộ những người nổi tiếng đều tồn tại dưới nhiều hình thức. Điều khác biệt là Gen Z đang thể hiện điều này qua những cách tiếp cận hiện đại hơn, như mua vé concert, album, hoặc tham gia cộng đồng người hâm mộ trực tuyến... Đây là một phần trong sự đa dạng văn hóa và quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, hiện tượng này cần được hiểu một cách sâu sắc hơn thay vì chỉ đánh giá bề ngoài.

Chỉ khi mặt trái của việc "đu idol" xuất hiện khi việc chi tiêu trở nên quá đà, vượt quá khả năng tài chính của cá nhân hoặc gia đình. Có những trường hợp các bạn trẻ sử dụng tiền vay mượn hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ để chi trả cho sở thích này. Điều này không chỉ tạo áp lực tài chính mà còn gây mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình. Hơn nữa, văn hóa "cạnh tranh" giữa các cộng đồng người hâm mộ đôi khi biến tướng thành sự công kích, tiêu cực trên mạng xã hội, làm mất đi ý nghĩa đẹp đẽ ban đầu của việc hâm mộ thần tượng.

Do đó, việc đánh giá Gen Z chi tiền để theo đuổi thần tượng cần dựa trên sự tôn trọng quyền tự do cá nhân. Nếu một người trẻ sử dụng tiền do chính họ kiếm được và không ảnh hưởng đến các nhu cầu thiết yếu khác, điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Trước đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng chia sẻ với Tiền Phong, ở Việt Nam, văn hóa thần tượng rất phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là sự hâm mộ ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nước ngoài trong đó phải kể đến các ngôi sao đến từ Hàn Quốc. Để xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người hâm mộ về việc hiểu rõ những mặt tích cực và tiêu cực.

Theo Diệu Nhi (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.