Cuộc thi tranh biện tiếng Hàn trong khuôn khổ Lễ hội chữ Hàn 2024, với chủ đề "Tạo Hangeul - Tạo kỳ tích" do Trường ĐH Văn Lang phối hợp cùng Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) và nhiều trường đại học tại TP.HCM tổ chức.
Khi bốc được chủ đề "Bạn có nghĩ rằng bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế là hai giá trị đối lập không thể tồn tại song song không?", ba cô gái bản lĩnh nhận nhiệm vụ phản biện lại bằng tiếng Hàn.
Trong phần phản biện của mình, Thảo Vi cho biết: "Nếu chỉ phát triển kinh tế mà không xem xét đến giá trị bền vững thì sẽ phá hủy môi trường. Đạt được vật chất nhưng môi trường sống bị hủy hoại thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nếu như có vật chất mà môi trường sống ô nhiễm, sức khỏe con người giảm sút, thậm chí bệnh tật thì cũng sẽ không thể tận hưởng được vật chất".
Tuyết Vy nhanh chóng tiếp lời rằng các doanh nghiệp lớn trên thế giới ngày càng nhận ra đầu tư vào các giải pháp bền vững không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp họ duy trì lợi nhuận và cạnh tranh trên thị trường.
"Một ví dụ tiêu biểu là kế hoạch "Green new deal" (tạm dịch: Chính sách kinh tế xanh mới) tại Hàn Quốc. Kế hoạch này có mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế xanh, giảm lượng khí thải carbon. Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ sạch, tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững", Tuyết Vy nói.
Tâm Nghi tận dụng thời gian còn lại để giành điểm cho phần phản biện của nhóm. Nữ sinh đưa ra ví dụ Tập đoàn Vingroup ra mắt thương hiệu ô tô VinFast và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xe điện. Việc này đáp ứng nhu cầu về các phương tiện giao thông sạch, mà còn dẫn đầu trong ngành công nghiệp xe điện tại VN.
"Sự đầu tư này đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong các lĩnh vực sản xuất và bảo trì xe điện. Đồng thời cũng góp phần giảm lượng khí thải và ô nhiễm không khí", Tâm Nghi lấy dẫn chứng về một doanh nghiệp tại VN để tăng tính thuyết phục cho phần tranh biện.
Đó là nội dung tranh biện của 3 cô gái trong vòng 5 phút ngắn ngủi. Tất cả nội dung trên đều được trình bày lưu loát bằng tiếng Hàn.
"Bí quyết của chúng mình là thần thái tự tin, tinh thần làm việc nhóm ăn ý. Khi bạn mình trình bày thì các thành viên khác phải nhanh chóng tìm dẫn chứng, phân tích nhanh và tiếp lời kịp lúc. Không được run, quan trọng là phải có nội dung kiến thức nền tảng bằng tiếng Việt vững chắc, sau đó dịch nhanh sang tiếng Hàn. Như vậy mới có thể làm chủ được cuộc chơi", Tuyết Vy chia sẻ.
Tuyết Vy nói thêm: "Việc phân chia thời gian một cách hiệu quả giữa các phần mở đầu, thân bài và kết luận sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của luật thi, qua đó có thể ghi điểm cao hơn".
Theo Thảo Vi, bên cạnh học ở trường thì việc kết bạn, giao lưu nói chuyện với người bản xứ sẽ giúp học tiếng Hàn tốt hơn. Ngoài ra, người học phải chịu khó bắt chước, nhạy bén trong việc phân tích phát âm, ngữ điệu và cách nhấn nhá. "Hãy mạnh dạn ra ngoài tìm thêm thông tin, không chỉ học ngôn ngữ mà còn về văn hóa. Ngược lại, từ văn hóa học được ngôn ngữ", Thảo Vi chia sẻ.
Thầy Lee Kang-hyun, giảng dạy tại Trường Quốc tế Hàn Quốc (KIS) - giám khảo cuộc thi, nhận xét: "Tôi rất bất ngờ vì không phải tiếng mẹ đẻ nhưng các bạn rất tự tin trong việc trình bày, bảo vệ quan điểm bằng tiếng Hàn. Tôi mong rằng các bạn ngày càng phát triển nhiều hơn. Các bạn phát âm rất tốt, ngữ pháp đúng, hiểu câu hỏi và phản biện sát với nội dung".
Theo Nguyễn Điền (TNO)