(GLO)- Việc dạy và học trực tuyến (online) đã trở thành hình thức giáo dục khá phổ biến, là giải pháp hữu ích và cũng là trải nghiệm đáng nhớ trong sự nghiệp “trồng người” của các thầy-cô giáo khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
1. Đối với cô Nguyễn Thị Hà-giáo viên bộ môn Hóa-Sinh (Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Prông) thì đây là lần đầu tiên cô tiếp cận với phương pháp dạy học online. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường học tạm nghỉ để phòng-chống dịch, giáo viên tập làm quen với phương pháp dạy học mới đã khiến cô và đồng nghiệp không khỏi bỡ ngỡ. Cô tâm sự: “Không thể tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp khi lần đầu “chạm ngõ” với hình thức dạy học này. Dù đã tìm hiểu trước nhưng ở tiết học đầu tiên, bản thân tôi chưa thuần thục kỹ năng nên còn gặp một số khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, tôi cũng khá lo lắng vì không biết các em học sinh có thích nghi tốt với phương pháp học mới này không, khi học từ xa thì có tập trung vào bài giảng như khi ở lớp không?”.
|
Cô Nguyễn Thị Hà-giáo viên bộ môn Hóa-Sinh (Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Prông) trong một buổi dạy học online. Ảnh: Trần Dung |
Theo cô Hà, việc soạn giáo án và chuẩn bị không gian cho buổi học trực tuyến là điều quan trọng nhất để tiết học thực sự hiệu quả. Nếu trong cách dạy truyền thống, giáo viên dễ dàng có sự tương tác trực tiếp và bao quát được các hoạt động cũng như tinh thần của học sinh thì dạy học online đòi hỏi mỗi thầy cô phải chủ động đổi mới hình thức tương tác với học sinh, qua đó tạo được sự chú ý của các em qua từng bài giảng. “Vượt qua những khó khăn ban đầu, tôi thấy tinh thần thoải mái và có năng lực tích cực khi dạy học online. Trong mỗi tiết học, giáo viên phải tạo môi trường và tình huống để học sinh rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề thông qua việc tổ chức hoạt động học và dạy. Để làm được điều đó, giáo viên cần tâm huyết với nghề, nghiêm túc trong công việc, thường xuyên cập nhật kiến thức, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, sát với cuộc sống tạo sự hấp dẫn học sinh”-cô Hà chia sẻ.
2. Thầy Trần Minh Hải-giáo viên bộ môn Tin học (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) là người luôn có những cách làm sáng tạo và thu hút gần như tuyệt đối học sinh tham gia các tiết học trực tuyến. Thầy cho hay: Sau khi nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để triển khai dạy trực tuyến theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi thầy cô chủ động xây dựng chương trình, nội dung bài học, học liệu để tổ chức dạy học online. Giáo viên cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp tích cực để học sinh tham gia học tập trực tuyến có hiệu quả. “Đối với những học sinh không có thiết bị, điều kiện để học tập, chúng tôi tổ chức thành những nhóm nhỏ học cùng nhau. Đồng thời, giáo viên thông báo cho phụ huynh biết về địa điểm và lịch học để cùng phối hợp quản lý. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt trên 98%; chất lượng dạy và học được đảm bảo”-thầy Hải phấn khởi cho biết.
Ban đầu, thầy Hải phải tự tìm hiểu về các phần mềm công nghệ mới như: Google Meet, Zoom, Microsoft Teams... để xây dựng một lớp học trực tuyến; cách tạo video meeting; cách cài đặt, hiệu chỉnh các lựa chọn trên phần mềm khi giảng bài, ghi hình lại bài giảng. Ngoài ra, thầy cũng học cách thay đổi tư duy giảng dạy, tự lên kịch bản sư phạm phù hợp với đặc thù môn học. Theo thầy Hải, đối với các tiết học trực tuyến, giáo viên rất khó truyền tải cảm xúc và xử lý tình huống phát sinh. Bởi vậy, người thầy phải chủ động trong việc truyền tải được khối lượng kiến thức, lôi cuốn học sinh với ngân hàng câu hỏi phong phú, sinh động. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh được tiến hành thường xuyên nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. “Để tránh nhàm chán cho học sinh, trong các bài giảng, tôi đưa nhiều hình ảnh và clip mô phỏng nhằm tạo sự sinh động, cuốn hút giúp các em dễ hiểu hơn; tăng cường tương tác và lồng ghép các trò chơi nhỏ liên quan đến bài học để tăng sự yêu thích cho các em… Việc dạy và học trực tuyến hiện nay đã trở nên lý thú, bổ ích đối với thầy trò chúng tôi”-thầy Hải nói.
|
Thầy Trần Minh Hải-giáo viên bộ môn Tin học (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) là người luôn có những cách làm hay, sáng tạo trong các tiết học online. Ảnh: Trần Dung |
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng kích hoạt việc dạy học trực tuyến để vừa duy trì việc học, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Các nhà trường đã có phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phần lớn giáo viên đã nỗ lực để có nhiều giải pháp sáng tạo, góp phần thực hiện tốt chủ trương “Tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”. |
3. Sau 12 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Phương Trang-giáo viên Toán tại Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai lần đầu tiên tiếp cận với phương pháp dạy trực tuyến. Đối với cô, đây là trải nghiệm vô cùng thú vị trong sự nghiệp “trồng người” của mình. Cô Trang kể: Khi dịch bệnh xảy ra, nhà trường đã mua bản quyền dạy học trực tuyến trên hệ thống Google Classroom nên đường truyền rất ổn định. Học sinh cũng tương tác tốt về việc học trực tuyến nên các tiết học diễn ra khá trôi chảy và hiệu quả.
Để các tiết học trực tuyến đạt hiệu quả, cô Trang chuẩn bị bài giảng thật kỹ, hệ thống kiến thức rõ ràng, có bài tập cụ thể cho từng nội dung. Giờ đây, việc dạy học trực tuyến đã là kỹ năng không thể thiếu của những giáo viên như cô Trang. “Dạy và học trực tuyến không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian tạm dừng đến trường mà còn góp phần nâng cao năng lực tự học của các em và kỹ năng dạy học qua internet cho giáo viên. Đặc biệt, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh học tập ngày càng được tăng cường”-cô Trang khẳng định.
TRẦN DUNG