Ngành Giáo dục Gia Lai chủ động thực hiện nhiệm vụ kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng các phương án nhằm thực hiện nhiệm vụ kép. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT liên quan đến vấn đề này.
*P.V: Ngành GD-ĐT đề ra những phương án nào để vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, thưa ông?
Ông Lê Duy Định. Ảnh: Hồng Thi
Ông Lê Duy Định. Ảnh: Hồng Thi

- Ông Lê Duy Định: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã xây dựng Kế hoạch “Đáp ứng từng cấp độ dịch Covid-19 trong ngành GD-ĐT”. Cụ thể, đối với cấp độ 1 (một số tỉnh lân cận có ca nhiễm Covid-19, tỉnh Gia Lai không có ca nhiễm), ngành vẫn tổ chức dạy và học bình thường theo kế hoạch, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đội ngũ giáo viên, học sinh.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; chỉ đạo cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế, hạn chế đi lại, tiếp xúc, kiểm soát chặt chẽ lịch trình, đặc biệt là giáo viên người nước ngoài hoặc người đi từ vùng dịch đến tỉnh Gia Lai. Kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng-chống dịch Covid-19.

Nếu rơi vào cấp độ 2 (tỉnh có nguy cơ trở thành ổ dịch; cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên là F1 do có tiếp xúc gần với người bị nhiễm dịch Covid-19), khi phát hiện F1 trong ngành sẽ phối hợp với Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tại địa phương áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp. Tổ chức điều tra, rà soát, lập danh sách tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên có tiếp xúc gần với người bệnh; thu thập thông tin của các cá nhân này để thuận tiện trong công tác điều tra y tế và cách ly phòng-chống dịch. Đồng thời, ngành sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho những cơ sở giáo dục thuộc F2, các cơ sở giáo dục còn lại học bình thường theo kế hoạch.
Đối với cấp độ 3 (một số địa phương của tỉnh trở thành ổ dịch, có trường hợp nhiễm Covid-19 trong trường học), các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn ổ dịch sẽ tạm ngừng đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức học tập phù hợp để đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Các cơ sở giáo dục không thuộc địa phương là ổ dịch vẫn học bình thường theo kế hoạch; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch.
Còn đối với cấp độ 4 (toàn tỉnh là ổ dịch, dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục), học sinh, sinh viên, học viên trên toàn tỉnh tạm dừng đến trường, tổ chức dạy và học trực tuyến; giao bài học, bài tập cho học sinh, sinh viên, học viên học ở nhà dưới nhiều hình thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ dạy học, hoàn thành kế hoạch giáo dục của nhà trường và của toàn ngành. Riêng giáo dục mầm non sẽ thông báo đến phụ huynh cho trẻ nghỉ học ở nhà; không dạy học trực tuyến; tăng cường truyền thông, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em vui chơi tại nhà. Cùng với đó, chuẩn bị các phương án để sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát sẽ cho học sinh, sinh viên, học viên trở lại trường và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định.
Hiện nay, tỉnh chưa có dịch, các tỉnh lân cận cũng chưa xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, công tác dạy và học vẫn được duy trì bình thường. Khi thực tế diễn ra ứng với cấp độ nào, Sở sẽ áp dụng kịch bản đã xây dựng sẵn để kịp thời ứng phó. Riêng đối với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế, TP. Pleiku) có học sinh là F1, do đó, hơn 1.000 học sinh còn lại và giáo viên của trường sẽ tạm thời nghỉ học, tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngành Y tế cũng đã phun thuốc khử khuẩn toàn bộ trường để phòng-chống dịch Covid-19.
3- Học sinh và giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nghiêm túc đeo khẩu trang trong quá trình học để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Thi.
Học sinh và giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nghiêm túc đeo khẩu trang trong quá trình học để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Thi
*P.V: Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở đã có những chỉ đạo như thế nào liên quan đến công tác ôn tập, tập huấn và tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh, thưa ông?
- Ông Lê Duy Định: Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp THPT phù hợp với từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe của học sinh; chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung và sử dụng hiệu quả bộ đề thi tham khảo do Sở GD-ĐT trang bị năm 2020, đồng thời trên cơ sở đề thi tham khảo năm 2021 của Bộ GD-ĐT, phát triển thêm các bộ đề thi tham khảo của trường/cụm trường để bổ sung vào tài liệu ôn tập phù hợp với nhu cầu và năng lực học sinh. Các trường/cụm trường THPT chủ động tổ chức thi thử; ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập phù hợp với điều kiện thực tế.
Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 6 tới, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức thi thử toàn tỉnh. Thông qua kết quả này, Sở tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác ôn tập và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, Sở sẽ chỉ đạo bố trí phòng thi dự phòng tại các điểm thi, trong tình huống đặc biệt có thể sử dụng để bố trí cho các đối tượng riêng dự thi. Tại các huyện, thị xã, thành phố đều bố trí 1 điểm thi dự phòng. Điểm thi này có thể dùng khi điểm thi chính có tình huống dịch bệnh hoặc bố trí riêng cho các đối tượng dự thi đặc biệt (liên quan đến dịch bệnh) của địa phương đó.
Ngoài ra, các lực lượng làm nhiệm vụ trong kỳ thi đều có dự phòng, nhất là các lực lượng liên quan đến công tác coi thi; tuyệt đối không điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến dịch bệnh làm công tác thi. Công tác tập huấn quy chế thi, các thông tin liên quan đến phòng-chống dịch bệnh sẽ được nghiêm túc triển khai trước khi cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ.
*P.V: Xin cảm ơn ông!
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.