Giấy chứng nhận đầu tư chưa được cấp nhưng PVN đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Venezuela và thoả thuận phí hoa hồng 584 triệu USD.
Việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) lập siêu liên doanh để khai thác dầu tại Venezuela song chưa khai thác được giọt dầu nào mà đã tiêu tốn cả nghìn tỷ, đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn: Vốn Nhà nước bị thất thoát thế nào? Tại sao vốn Nhà nước lại bị thất thoát lớn đến thế? Trách nhiệm thuộc về ai?
VOV có loạt bài viết liên quan đến vấn đề quản trị tài chính quốc gia nhìn từ góc độ đầu tư vốn Nhà nước ra nước ngoài thông qua ý kiến của các chuyên gia và luật sư để tránh làm thất thoát vốn Nhà nước và làm sao để quản trị một cách hiệu quả.
Hợp đồng thành lập, quản lý Công ty liên doanh Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 Venezuela (Petromacareo) đã được ký kết giữa PVEP (công ty con của PVN) và CVP (công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela - PDVSA).
Theo đó, PVN góp 40% vốn với PDVSA để triển khai Dự án Junin 2 tại Venezuela (thuộc vành đai dầu Orinoco - một trong những vùng trầm tích có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới). Phần vốn mà PVN phải đóng góp tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỷ USD.
Trên thực tế, giấy chứng nhận đầu tư chưa được cấp nhưng PVN đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Venezuela và thoả thuận phí hoa hồng 584 triệu USD.
Mỏ dầu Junin 2 (Ảnh: PVN)
Có phải tiền "lại quả"?
Thông qua trang web chính thức của PVN, tập đoàn này khẳng định, trong dự án Junin 2, khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu USD và phải chuyển ngay 300 triệu USD theo quy định của Venezuela. "Không có chuyện chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam", PVN nêu rõ.
Cho rằng nhiều người đang hiểu sai về "tiền hoa hồng" trong các hợp đồng dầu khí, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa lên tiếng khẳng định khoản tiền này là theo thông lệ khi thực hiện khai thác dầu trên thế giới.
Theo giải thích của PVN, "tiền hoa hồng" gọi là “Participant Bonus” hoặc cũng có nơi dùng từ “Signature Bonus”. Nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ Bonus nghĩa là tiền thưởng (“tiền hoa hồng”) thì không đúng với bản chất của từ ngữ.
PVN cho rằng, đó là “hoa hồng chữ ký” hoặc “phí tham gia hợp đồng”. Thực chất, khoản tiền này là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng. Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu thì phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ quốc tế bình thường.
Cần nhìn nhận cách khách quan và đầy đủ
Nhận định hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Việt Nam còn có nhiều bất cập, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, đây là một lĩnh vực mới và cũng tương đối khó của hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư nói chung thường gắn liền với rủi ro cho nên cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ mới chính xác.
Cụ thể trong việc đầu tư dự án dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận có nhiều vấn đề đằng sau đó, bởi theo như đánh giá của Thanh tra Chính phủ, trong đầu tư của PVN với trên 10 dự án, nhưng trong đó hầu hết các dự án có hiệu quả không cao, thậm chí có những dự án không có hiệu quả.
|
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh |
Nêu quan điểm về “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD đối với các dự án đầu tư của PVN tại Venezuela, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, theo thông lệ quốc tế, đây là điều khoản mà các nhà đầu tư phải phải áp dụng.
Thực chất, khoản tiền này không phải là tiền hoa hồng hay phí bôi trơn, mà đây được hiểu là khoản đặt cọc đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Cụ thể là bất kì một doanh nghiệp nước ngoài nào muốn vào thăm dò và khai thác dầu khí ở một quốc gia nào đó thường phải nộp một số tiền nhất định. Ở Việt Nam cũng quy định nguyên tắc này.
“Tùy theo quy định của mỗi quốc gia, có quốc gia họ đòi hỏi đặt cọc nhiều, nhưng có quốc gia yêu cầu đặt cọc ít, từ vài chục triệu đến hàng tỷ USD cho mỗi dự án và đây là điều bình thường, không nên hiểu là tiền “lại quả” hay tiền “hoa hồng” trong hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Có dấu hiệu tham nhũng?
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Trong 20 năm qua, khi bước vào nền kinh tế thị trường thì đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam khá nhiều nhưng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài lại rất ít.
|
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư của Việt Nam tại Venezuela là một trong những đầu tư lớn và quan trọng vì đã phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để mong đem lại lợi nhuận cho đất nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định, mọi việc xảy ra ngược lại với kỳ vọng. Một trong những yếu tố khiến chương trình đầu tư này thất bại có thể có dấu hiệu của yếu tố tham nhũng và có thể có “lợi ích nhóm”.
Một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước như PVN khi quyết định đầu tư ra nước ngoài trách nhiệm thẩm định các dự án đó thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan chức năng có liên quan đối với quyết định đầu tư đó. Theo quy định trong Luật Đầu tư, quyết định đầu tư phải có sự đồng ý thông qua quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, PVN là doanh nghiệp lớn có vốn của nhà nước, khi đầu tư cần phải thông qua các cơ quan quản lý, các Bộ chủ quản và phải thông qua Chính phủ nếu tổng mức đầu tư cần đến sự quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, trong vụ việc của PVN, rõ ràng vai trò kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành liên quan đã không đến nơi đến chốn, nhất là việc quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước. Bản thân những người đưa ra quyết định đầu tư đã vượt quá thẩm quyền của mình khi PVN đầu tư vào Venezuela mặc dù biết rằng với mức đầu tư lớn phải thông qua Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là phải thông qua Quốc hội nhưng khi không có quyết định của Thủ tướng hay Quốc hội mà vẫn tự quyết định đầu tư thì đó là hành động vượt quá thẩm quyền.
“Trước đây chúng ta rất hay mắc ở cái này, đấy là với một quyết định nào đó, Thủ tướng có thể có gọi điện, có nói đến nhưng không thể căn cứ vào đó doanh nghiệp tự có thẩm quyền tự quyết định đầu tư khi chưa có văn bản chính thức. Nên khi quay lại xét, cơ quan thanh tra, kiểm toán nếu thấy không có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ hay của Quốc hội thì rõ ràng doanh nghiệp đã phạm luật, quyết định vượt quá thẩm quyền”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
|
Luật sư Nguyễn Thanh Hà |
Với quan điểm của một luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, khi PVN có những sai phạm như trên thì rõ ràng lãnh đạo PVN và các bộ ban ngành liên quan tại thời điểm trình duyệt dự án đầu tư sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những thất thoát này.
“Vấn đề là các cơ quan chức năng như thanh tra, Ủy ban kiểm tra Trung ương cần chỉ ra các sai phạm một cách cụ thể, từ đó sẽ quy trách nhiệm cho những cá nhân và tập thể liên quan. Đồng thời, những người này cũng sẽ phải giải trình với cơ quan chức năng về nguyên nhân, gồm cả chủ quan và khách quan cho những quyết định đầu tư vào thời điểm đó. Sau khi tổng hợp, cơ quan thanh tra có thể xem xét và xử lý trách nhiệm của các bên nếu có sai phạm”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu rõ.
Nói về những vấn đề việc quản lý dòng vốn đầu tư của Nhà nước ra nước ngoài đang đang phải đối mặt, luật sư Hà cho biết, hiện tại, các quy định đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là nội dung vốn nhà nước nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như luật đầu tư. Chưa có sự tách biệt giữa đầu tư tư nhân và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát và tổng hợp hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói chung và đầu tư của nhà nước chưa được coi trọng.
Cũng theo luật sư Hà, nguyên nhân dự án PVN bị thất thoát và thất bại tại Venezuela là do kinh nghiệm và năng lực của những cán bộ và doanh nghiệp khi mang tiền nhà nước ra nước ngoài đầu tư còn nhiều hạn chế, khi chưa có những đánh giá toàn diện về quá trình đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét./.
Tháng 6/2010, tại thủ đô Caracas của Venezuela, “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” chính thức động thổ. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỷ USD. Theo thống kê, PVN đã rót 532 triệu USD vào liên doanh dầu khí tại Venezuela nhưng từ năm 2012 tới nay không thu thập được số liệu tài chính của liên doanh này. Hiện chưa thể xác định được PVN có khả năng thu hồi số tiền đã đầu tư hay không. |
Nhóm PV (VOV.VN)