Sự ra đi của 4 danh hài nổi tiếng: Khi tiếng cười tuổi thơ chỉ còn trong ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, làng giải trí đã chứng kiến sự ra đi của 4 danh hài nổi tiếng, những người gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
"Trưởng thôn" Văn Hiệp: Nụ cười che lấp muộn phiền
Nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời vào ngày 9/4/2013 tại nhà riêng, ông hưởng thọ 71 tuổi. Trước đó một năm, ông đã phải nằm trên giường bệnh do mắc nhiều căn bệnh như đại tràng, suy thận, tràn dịch màng phổi...
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông theo học nghề tại lớp diễn viên khóa 1 - Phân hiệu Kịch nói, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam - thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam, cùng khóa với Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông có tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện.

Nghệ sĩ Văn Hiệp trong chương trình
Nghệ sĩ Văn Hiệp trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần". Ảnh: Youtube
Với thân hình nhỏ con, khuôn mặt khắc khổ, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được mời tham gia những vai diễn lão nông thật thà tốt bụng. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện, thường có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Đặc biệt, từ khi chương trình "Gặp nhau cuối tuần" ra đời vào năm 2000, ông trở thành gương mặt gần gũi với khán giả qua vai diễn "ông trưởng thôn", xuất hiện đều đặn trên màn ảnh nhỏ.
Sự ra đi của nghệ sĩ Văn Hiệp khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả thương xót, bởi dù mang lại tiếng cười cho người xem nhưng ông lại có đời sống riêng bất hạnh. Ông sống gần như một mình nuôi con trong 20 năm, khi vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức và không về. Hai vợ chồng nghệ sĩ sống ly thân nhưng không ly hôn. Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên, cuộc sống không mấy dư dả.
"Trưởng phòng" Phạm Bằng: Làm việc cho vơi đi nỗi trống trải
Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vào ngày 31/10/2017 sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông từng là sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính nhưng sau một năm ông buộc phải nghỉ học. Năm 1959, cái duyên với nghiệp diễn đưa ông tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Nghệ sĩ Phạm Bằng. Ảnh: Cắt từ clip
Nghệ sĩ Phạm Bằng. Ảnh: Cắt từ clip
Sau đó, nghệ sĩ Phạm Bằng được tuyển vào đoàn văn công Hà Nội. Ông tham gia vào nhiều vai diễn, song ghi dấu ấn nhất ở các vai phản diện. 
Cũng nhờ chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên VTV3, nghệ sĩ Phạm Bằng được đông đảo công chúng biết đến và ái mộ. Trên màn ảnh nhỏ, Phạm Bằng lưu lại trong kí ức nhiều khán giả với hình ảnh “Sếp”. Ông thường vào vai giám đốc, trưởng phòng và được khán giả, bạn diễn gọi bằng tên thân mật là “Sếp” hoặc “Sếp hói”.
Cho tới tuổi 85, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn tự tay lái xe đi đóng phim. Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Ông từng tâm sự muốn làm việc cho vơi đi sự trống trải trong cuộc sống, khi người vợ qua đời trước ông 15 năm.
Danh hài Chí Tài: Ra đi khi vẫn còn nhiều ấp ủ với nghề
Đầu tháng 12/2020, danh hài Chí Tài qua đời sau khi bị đột quỵ ngay tại chung cư ông đang sống. Khi linh cữu Chí Tài được chuyển ra sân bay tới Mỹ, rất nhiều người hâm mộ đã đứng chờ dưới đường, họ rơi nước mắt tiễn biện người nghệ sĩ họ yêu quý lần cuối.

Danh hài Chí Tài trong một gameshow truyền hình. Ảnh: NSXCC
Danh hài Chí Tài trong một gameshow truyền hình. Ảnh: NSXCC
Danh hài Chí Tài tên thật là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Bước vào lĩnh vực nghệ thuật với đam mê âm nhạc, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trên sân khấu hài kịch, Chí Tài mới được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết tới. Có thể nói, Chí Tài và Hoài Linh tạo nên cặp bài trùng "khuynh đảo" sân khấu hài. Các vở diễn nổi tiếng của ông có thể kể tới như: "Dân chơi hàng mướn", "Kén rể", "Đánh ghen", "Đèo gió hú", "Bầy vịt cái", "Rượu", "Ngao sò ốc hến"...
Nói về mình, nghệ sĩ Chí Tài từng khiêm tốn chia sẻ: "Người ta được trời ban cho bộ có nhanh nhẹn. Tôi không được vậy nên phải cố gắng theo cách của mình". Ông cũng từng chia sẻ niềm đam mê với công việc: "Tôi vẫn thấy niềm đam mê trong người còn nhiều lắm. Nhiều người hỏi tôi sẽ làm đến năm bao nhiêu thì nghỉ hưu. Tôi nói tôi không biết được. Tôi làm chừng nào thấy mệt thì thôi".
"Anh nông dân chăn vịt" Giang Còi: Người nông dân cả ngoài đời và trên sân khấu
Ngày 4/8 vừa qua, nghệ sĩ Giang Còi từ biệt cuộc đời ở tuổi 59 sau khoảng thời gian 7 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư hạ họng.

Cặp bài trùng Giang Còi - Quang Tèo. Ảnh: Cắt từ clip
Cặp bài trùng Giang Còi - Quang Tèo. Ảnh: Cắt từ clip
Nghệ sĩ Giang Còi sinh năm 1962 trong một gia đình làm nghề buôn bán ở phố cổ Hà Nội. Năm 23 tuổi, anh đỗ vào khóa đầu tiên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng với các nghệ sĩ Chiều Xuân, Tú Oanh, Bùi Thạc Chuyên …
Tuy từng tham gia nhiều vai diễn chính kịch song dấu ấn lớn nhất của nghệ sĩ Giang Còi trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần", khi mà bộ đôi Quang Tèo - Giang Còi vào vai hai người nông dân hài hước. 
Cặp bài trùng một béo - một gầy với những câu chuyện dở khóc dở cười đã mang lại tiếng cười của nhiều thế hệ khán giả những năm 2000. Cách diễn chân chất, mộc mạc của nghệ sĩ Giang Còi đã chiếm được tình cảm của nhiều thế hệ, đặc biệt là những người "sinh ra từ làng".
Với nhiều khán giả, cặp nghệ sĩ Giang Còi - Quang Tèo đã trở thành một ký ức khó quên của tuổi thơ. Ngay cả khi "Gặp nhau cuối tuần" dừng phát sóng, cặp bài trùng này vẫn gắn bó với nhau thêm nhiều năm trong những sản phẩm hài Tết mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.
Theo Yến Linh (Dân Việt)

https://danviet.vn/su-ra-di-cua-4-danh-hai-noi-tieng-khi-tieng-cuoi-tuoi-tho-chi-con-trong-ky-uc-2021080620083742.htm

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...