Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng "bối rối" với cụm từ "ruộng bậc thang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do "bối rối" với cụm từ "ruộng bậc thang" khi áp dụng vào thực tiễn tại địa phương nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phải hỏi Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
 
Việc san gạt, cải tạo mặt bằng để làm vườn trồng hoa quả, rau củ phổ biến ở Đà Lạt. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tỏ ra
Việc san gạt, cải tạo mặt bằng để làm vườn trồng hoa quả, rau củ phổ biến ở Đà Lạt. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tỏ ra "bối rối" trước cụm từ "ruộng bậc thang". Ảnh: Nhiệt Băng
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về công tác quản lý việc san gạt, cải tạo mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đáng chú ý, tại báo cáo này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tỏ ra "bối rối" trước cụm từ "ruộng bậc thang".
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng không biết hình thức canh tác trên địa hình đồi dốc thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng có được gọi là "ruộng bậc thang" hay không.
Lý lẽ cho sự "bối rối" trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng viện dẫn, theo điểm a, khoản 3, Điều 3, Nghị định số 91 (ngày 19.11.2019) của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai quy định hủy hoại đất, có quy định hành vi hủy hoại đất trong trường hợp làm biến dạng địa hình nhưng trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành "ruộng bậc thang" và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư được UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất, thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.
Tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật lại chưa giải thích từ ngữ cho cụm từ "ruộng bậc thang" như những trường hợp cải tạo đất, san gạt, cải tạo mặt bằng để tạo bằng, tạo tầng, hình thức canh tác trên địa hình đồi dốc thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng có được gọi là "ruộng bậc thang" hay không và chưa có thủ tục hành chính, gây khó khăn trong quá trình triển khai, áp dụng khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Do vậy, ngày 4.12.2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến hướng dẫn.
Ruộng bậc thang là gì?
Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Ruộng bậc thang vùng Cordillera, Philippines được UNESCO công nhận Di sản thế giới vào năm 1995. Ở Việt Nam, hình thức canh tác này cũng rất phổ biến ở các vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc hoặc các vùng trung du ở Bắc Bộ...
NHIỆT BĂNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm