Siu H'Chuyên nói đi đôi với làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị Siu H'Chuyên-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Sơr (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình và nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua ở địa phương để các chị em phụ nữ học tập, làm theo.

Chị Mai Thị Mỹ Duyên-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Boòng-nhận xét: “Bắt đầu làm Chi hội trưởng từ năm 2016, khi chỉ mới 25 tuổi, nhưng Siu H'Chuyên rất được chị em trong làng tín nhiệm. Bởi Chuyên năng nổ, nhiệt tình, chịu thương chịu khó, nói được làm được. Các hội viên trong làng chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên nếu nói suông thì họ sẽ không nghe mà chỉ tin vào những điều họ thấy. Và chị H'Chuyên là tấm gương giúp họ thấy, từ đó họ nghe theo, làm theo”.

   Chị Siu H'Chuyên-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Sơr (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Kim Linh
Chị Siu H'Chuyên-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Sơr (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Kim Linh


Cũng như bao chị em khác trong làng, H'Chuyên lập gia đình và có con khá sớm. Chồng là công an viên, lương cũng không bao nhiêu, kinh tế gia đình chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Cách đây vài năm, bắt đầu từ nguồn vốn vay ít ỏi từ mô hình cổ phần tài chính tự quản (do Tổ chức CARE Quốc tế xây dựng và phát triển thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp), chị H'Chuyên mua 2 con dê để nuôi sau khi tham khảo các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện. Đồng thời, chị cũng trồng 1.300 cây cà phê.

“Dê là loài có chu kỳ sinh sản ngắn. Từ 2 con dê giống, tôi đã nhanh chóng gây dựng thành đàn. Tôi bán bớt để sửa sang nhà cửa cho khang trang hơn, đồng thời lấy vốn chăm cho vườn cà phê. Cứ vậy mà dần dần kinh tế gia đình trở nên vững vàng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập từ cà phê và dê trên 100 triệu đồng”-chị H'Chuyên cho biết.

Không chỉ làm kinh tế cho riêng mình, chị H'Chuyên đã tích cực vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Hiện tại, làng Sơr có khoảng 10 hộ học tập mô hình nuôi dê của chị, một số hộ khác thì đầu tư máy móc để hỗ trợ việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Chị Rơ Lan Lan cho hay: “Được Chi hội trưởng hướng dẫn nhiệt tình, gia đình tôi đã mua máy mi ni giá hơn 2 triệu đồng về xắt chuối và các loại rau cho gà ăn. Nhờ vậy, tôi đã tiết kiệm công sức, việc chăn nuôi cũng hiệu quả hơn. Kinh tế gia đình dần ổn định”.

Thời gian qua, chị H'Chuyên còn vận động chị em tham gia làm công nhân cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Chị cho hay: “Chi hội có 60 hội viên nhưng chỉ còn 8 hội viên thuộc diện hộ nghèo. Chúng tôi cố gắng tìm cách để hỗ trợ các hội viên này thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, chị H'Chuyên còn tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ cùng gia đình chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức của hội viên về thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, từ đó kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ… để nhanh chóng đề xuất xử lý thỏa đáng.

Cùng với đó, chị H'Chuyên còn chủ động phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư Chi Đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và người dân không vượt biên, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục gây chia rẽ khối đại đoàn kết, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, chấp hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình; tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường...

“Hàng năm, Chi hội đăng ký một số phần việc tham gia các tiêu chí nông thôn mới như: xây dựng mô hình hàng rào xanh, vận động 50 hộ thực hiện mô hình mỗi hộ có vườn rau và cây ăn quả, 86 hộ có chuồng trại di dời ra sau nhà ở, đào được 86 hố rác trong vườn nhà, vận động 56 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, Chi hội cũng lập danh sách chị em phụ nữ trong làng biết dệt thổ cẩm, động viên họ tham gia mô hình “Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm” tại làng với 11 thành viên tham gia, duy trì sinh hoạt 3 tháng/lần. Đến nay, các sản phẩm do chị em làm ra được khách hàng lựa chọn”-chị H'Chuyên thông tin thêm.

 

 KIM LINH

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.