(GLO)- Việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng qua đợt thanh tra chuyên đề trên diện rộng sẽ góp phần làm minh bạch thị trường, chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc thanh tra góp phần chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Ảnh: Đ.T |
Từ ngày 19-7 đến 10-8-2016, đoàn thanh tra liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đã tiến hành thanh tra 32 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Trong 9 cơ sở vi phạm qua thanh tra thì có tới 8 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa (chiếm tỷ lệ gần 89% số cơ sở vi phạm và chiếm 25% trong tổng số cơ sở đã thanh tra). Đoàn đã tiến hành xử phạt 9 cơ sở vi phạm với số tiền 42,5 triệu đồng. Ông Lý Trọng Huy-Phó Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (Phó trưởng đoàn thanh tra) cho biết: “Các cơ sở này mua bán hàng hóa có nhãn nhưng ghi thiếu các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa. Trên nhãn sản phẩm không có đầy đủ thông tin về tên hàng hóa, tên đơn vị sản xuất, phân phối, công bố hàm lượng vàng, khối lượng vàng không đúng quy định…”.
Trên thực tế, ngoại trừ việc ghi nhãn đối với các sản phẩm được nhập từ những nhà sản xuất lớn thì hầu hết các sản phẩm được gia công tại chỗ thường thông tin rất ít hiển thị trên đó. Theo lý giải của một vài cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, những sản phẩm này đa số là hàng tồn từ nhiều năm trước, ở thời điểm đó quy định chưa bắt buộc nên thường chỉ có đóng dấu ký hiệu cơ sở và hàm lượng vàng, ví dụ như ghi 9t9 hay 9999; khối lượng vàng chỉ ghi là P (phân), C (chỉ), L (lượng) chứ chưa thể hiện theo đơn vị gam như bây giờ (nếu là 1 chỉ thì phải ghi 3,75 gam). Sau khi được tuyên truyền, phổ biến và nhắc nhở thực hiện theo thông tư mới, cơ sở mới chuyển phần lớn sản phẩm không đúng chuẩn về ghi nhãn đi chế tác lại hoặc bổ sung nhãn phụ (tài liệu) đính kèm. Song cũng có nơi còn cho là do số lượng hàng trang sức mỹ nghệ quá lớn nên thời gian làm lại rất lâu, tốn nhiều tiền, rồi làm bị sót!
Trong năm 2015, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tỉnh đã tiến hành kiểm tra 48 cơ sở và phát hiện có 38 cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định về nhãn hàng hóa (chiếm tỷ lệ gần 80% tổng số cơ sở kiểm tra). Khoảng cách giữa 2 lần kiểm tra không xa nhưng vi phạm về vấn đề này vẫn xảy ra và chiếm tỷ lệ lớn. Vấn đề đặt ra là liệu các cơ sở thực hiện quy định qua loa và cũng không loại trừ khả năng đối phó? “Ngay khi Thông tư 22 có hiệu lực, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tỉnh đã hướng dẫn, tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh vàng về các nội dung như đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra chỉ ra cho các cơ sở thấy được sai phạm để khắc phục. Đây là lần đầu kiểm tra việc thực hiện các quy định trong thông tư mới nên các cơ sở không bị xử lý vi phạm”-ông Đặng Mạnh Hậu-Trưởng phòng Quản lý đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tỉnh cho biết.
Còn theo ông Lý Trọng Huy: Các doanh nghiệp vàng quy mô lớn trên địa bàn chú trọng trong giữ vững uy tín, thương hiệu, do đó đã chủ động thực thi các quy tắc quản lý chuyên ngành, tham gia tập huấn, không vi phạm bất cứ nội dung nào, sai phạm chủ yếu rơi vào các cơ sở nhỏ, không tham gia tập huấn.
Kết quả thanh tra đợt 1 của đoàn liên ngành về đo lường đã phát hiện và xử lý 1 cơ sở sử dụng cân trong trao đổi mua bán vàng không có chứng chỉ kiểm định theo quy định. Về chất lượng, đoàn đã lấy 16 mẫu vàng (của 8 cơ sở) gửi đi phân tích kiểm tra hàm lượng vàng. Theo ông Nguyễn Đăng Hòa-Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ: Cơ sở bắt buộc phải sử dụng cân kỹ thuật, tùy thực tế kinh doanh mà trang bị cho phù hợp. Sử dụng cân phải có dấu kiểm định, tem kiểm định, còn thời hạn kiểm định. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.
Thảo Nguyên