(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chấp hành và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc theo đúng quy định pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan… tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số CBCCVC vi phạm. Làm sao để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành của CBCCVC, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông DƯƠNG TRÁNG-Giám đốc Sở Nội vụ xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, thời gian vừa qua Sở Nội vụ phối hợp với một số cơ quan tiến hành kiểm tra việc CBCCVC chấp hành quy định giờ giấc làm việc. Kết quả kiểm tra như thế nào và có trường hợp nào bị xử lý?
- Thực hiện Luật Cán bộ-Công chức, Luật Viên chức, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 18-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức, trong năm 2013, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình cải cách chế độ công vụ, công chức tỉnh Gia Lai. Trên cơ sở đó, các sở, ban ngành đã tổ chức xây dựng kế hoạch để thực hiện chương trình này.
Đồng thời, Sở Nội vụ cũng đã tiến hành triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất cho UBND tỉnh như: kiểm tra giờ giấc hành chính của CBCCVC, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh tình trạng CBCCVC bớt xén giờ hành chính ra ngoài quán uống cà phê, đi quán nhậu để thảo luận, bàn bạc, “buôn” chuyện của tổ chức, cơ quan trái quy định vừa gây phản cảm vừa tạo dư luận không tốt và nhân dân không đồng tình.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ còn đề xuất và được UBND tỉnh nhất trí giao cho một đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp phụ trách vấn đề này cùng với Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra Nhà nước, Công an tiến hành kiểm tra ở một số cơ quan, đơn vị xem thử tại thời điểm kiểm tra ở các cơ quan này có vắng CBCCVC, những ai vắng có lý do, đi công tác ở đâu…; kiểm tra tại các quán xem trong giờ hành chính có CBCCVC hay không và kiểm tra nhiều đợt. Việc kiểm tra chủ yếu răn đe, nhắc nhở là chính nhưng cũng có một trường hợp thực hiện không nghiêm trong giờ hành chính là hẹn công dân ra giải quyết ở quán cà phê. Sở cũng đã kiến nghị cơ quan chủ quản kiểm điểm xử lý cả về mặt Đảng và chính quyền đối với cán bộ vi phạm này.
Qua kiểm tra đã tạo được sự đồng tình trong dư luận xã hội và CBCCVC chấp hành nghiêm túc hơn, số CBCCVC vi phạm trong giờ hành chính giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng CBCCVC trong giờ hành chính có men rượu dẫn đến đôi khi nói năng không chuẩn, la ó trong cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản nghiêm cấm CBCCVC không được uống rượu, bia hoặc đồ uống có nồng độ cồn trong giờ hành chính cũng như buổi trưa ngày làm việc; nếu buổi tối còn làm việc thì buổi chiều cũng không được uống. Đồng thời, tiếp tục duy trì việc kiểm tra giờ giấc làm việc nhằm góp phần uốn nắn CBCCVC.
Trong xã hội ai cũng có mối quan hệ tình cảm, nếu họ dự tiệc cưới, hỏi… mà uống rượu, bia vào buổi trưa trong ngày làm việc. Vậy, theo quy định của UBND tỉnh nếu phát hiện những trường hợp đó thì xử lý như thế nào?
- Cái gì thực hiện bước đầu cũng khó. Qua kiểm tra bước đầu phát hiện chỉ nhắc nhở, sau một đôi lần đi vào nền nếp nếu ai vi phạm thì cũng phải xử lý để giữ nghiêm nguyên tắc quy định. Không xử lý thì thực hiện quy định trong văn bản được ban hành không nghiêm. Để thực hiện nghiêm vấn đề này, trước hết cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp phải gương mẫu, làm gương. Do đó trong quan hệ thâm tình nếu có dự tiệc cưới, hỏi, hiếu hỉ vào buổi trưa trong ngày làm việc thì thôi ta từ chối và uống nước lọc, nước khoáng, nước suối, nước ngọt…
Thời gian đến Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp gì để góp phần siết chặt việc sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc vào quy củ?
- Tôi đã giao cho đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách thanh tra tăng cường kiểm tra ngoài vấn đề giờ giấc làm việc còn tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Sắp tới Sở Nội vụ dự kiến xin UBND tỉnh trang bị cho lực lượng kiểm tra máy đo nồng độ cồn; tăng cường kiểm tra ngoài quán xá nếu phát hiện cũng phải lập biên bản gửi về cho cơ quan chủ quản để xử lý CBCCVC và báo cáo kết quả xử lý đó cho UBND tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông có thẩm quyền kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, vậy liệu việc kiểm tra nồng độ cồn trong trường hợp này có trái quy định?
- Tôi suy nghĩ là trong quy định của pháp luật thì có những văn bản quy phạm pháp quy của địa phương. Đặt vấn đề như vậy để dưới sự quản lý các địa phương phải thực hiện và phải thực thi miễn không trái với pháp luật và phù hợp với điều kiện quản lý. Để thực hiện cho nghiêm thì chúng ta phải làm, không sai đâu. Bởi vì chúng ta kiểm tra nồng độ cồn không phải để xử phạt như Cảnh sát Giao thông mà kiểm tra đây là để xác định rằng anh có nồng độ cồn là vi phạm với quy định của tỉnh. Trên cơ sở đó chúng ta xử lý về mặt hành chính về vấn đề CBCCVC không được làm.
Xin cảm ơn ông!
Lê Văn Nhung (thực hiện)