Sao chổi tàn sát khủng long chứ không phải tiểu hành tinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) vừa đưa ra giả thuyết mới nhằm giải thích sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài khủng long, theo đó “hung thủ” là một mảnh của sao chổi, và điểm va chạm giờ đây là hõm chảo Chicxulub.

Mô phỏng một thiên thạch lao xuống Trái đất. Ảnh: AFP/GETTY
Mô phỏng một thiên thạch lao xuống Trái đất. Ảnh: AFP/GETTY
Hõm chảo Chicxulub nằm trên bán đảo Yucatán của Mexico, đường kính lên đến 180 km.
Theo báo cáo mới trên chuyên san Scientific Reports, đây là dấu tích của một vụ va chạm giữa một mảnh sao chổi và Trái đất cách đây hơn 66 triệu năm, kích hoạt sự kiện Phấn Trắng-Cổ Cận gây nên sự tuyệt chủng của các loài khủng long và nhiều chủng loài khác trên bề mặt địa cầu vào thời điểm đó.
“Ắt hẳn quá trình mảnh sao chổi lao xuyên khí quyển đã tạo ra một cảnh quan tuyệt vời, nhưng cuộc vui chấm dứt khi nó chạm đất”, theo Đài CNN dẫn lời đồng tác giả Abraham Loeb, giáo sư khoa học của Đại học Harvard.
Giáo sư Loeb cho rằng sao chổi trên bắt nguồn từ đám mây Oort, khu vực ở rìa mặt trời và là nơi chứa chấp các thiên thể băng giá. Trong khi đó, các tiểu hành tinh thường xuất phát từ vành đai giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Xác suất một tiểu hành tinh có đường kính ít nhất 10 km để đủ sức gây nên vụ va chạm cỡ Chicxulub dao động vào khoảng 350 triệu năm/lần. Còn tỉ lệ để Trái đất trúng đòn tấn công của sao chổi càng hiếm hơn nữa, chỉ diễn ra trong khoảng 3,8 đến 11 tỉ năm/lần.
Theo giả thuyết của đội ngũ Đại học Harvard, trong lúc sao chổi từ đám mây Oort lao đến trung tâm của hệ mặt trời, lực đẩy của sao Mộc đã đóng vai trò như một máy bắn bóng, gia tăng vận tốc khiến sao chổi tiếp cận được mặt trời.
Khi chạm đến phạm vi của mặt trời, sao chổi bị phá vỡ thành từng mảnh nhỏ, và một trong những mảnh đó đã bắn về phía Trái đất.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với lập luận trên. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn thiên về giả thuyết một tiểu hành tinh đã hủy diệt khủng long hơn là sao chổi, theo Đài CNN.
Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm