(GLO)- Cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nỗ lực nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm qua việc tham gia Chương trình OCOP. Đây được xem là động lực thúc đẩy HTX phát triển.
Nhiều lợi thế khi được gắn “sao”
Thành lập năm 2018, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) đã tận dụng lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Cơ hội mở ra cho HTX kể từ khi có sản phẩm nước cốt chanh dây đạt chứng nhận OCOP 3 sao và chanh dây quả đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2019. Đến năm 2020, HTX có thêm 2 sản phẩm đạt 3 sao gồm bộ sản phẩm chanh dây sấy dẻo và bộ sản phẩm trà thảo mộc. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-cho hay: 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao đã giúp HTX khẳng định được uy tín, chất lượng. Đặc biệt, từ khi sản phẩm được gắn “sao”, nhiều siêu thị đã liên hệ đặt hàng với HTX nên thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn. “Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện và phấn đấu nâng cấp các sản phẩm lên 4-5 sao. Hiện HTX đã mở rộng liên kết vùng nguyên liệu với 72 hộ trồng chanh dây trên diện tích 47 ha. Đồng thời, HTX khuyến khích các hộ dân trồng xen cây sả trong vườn chanh dây để đảm bảo nguyên liệu chế biến các sản phẩm trà thảo mộc”-bà Thơm cho biết thêm.
Nhiều HTX đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Vũ Thảo |
Tương tự, mức tiêu thụ sản phẩm của HTX Hạc giấy từ thiện Chư Pưh (huyện Chư Pưh) cũng tăng từ khi được gắn “sao”. Ông Đào Duy Hiệp-Giám đốc HTX-chia sẻ: “2 sản phẩm của HTX là chuối ép và đậu đen xanh lòng rang sẵn đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Từ khi trên bao bì được in biểu tượng 3 sao, khách hàng đã tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm. Đây là lợi thế rất lớn đối với HTX trong vấn đề tìm kiếm đầu ra mở rộng thị trường tiêu thụ”. Theo ông Hiệp, kể từ khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 2 sản phẩm của HTX đã có mức tiêu thụ tăng khoảng 10% so với trước đây. Con số này tuy chưa nhiều nhưng cũng đã mở ra kỳ vọng trong thời gian đến.
Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho biết: “Khi đăng ký tham gia Chương trình OCOP, các HTX đã được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện về mặt thủ tục, tem nhãn, bao bì, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Việc sản phẩm được chứng nhận OCOP đã giúp HTX xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng. Bên cạnh đó, đây cũng là động lực để các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiếp cận các thị trường lớn, từ đó thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất với nông dân trên địa bàn”.
Đẩy mạnh hỗ trợ HTX tham gia OCOP
Đến nay, toàn tỉnh có 42 sản phẩm của 25 HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Trong số này, nhiều HTX có 2-4 sản phẩm như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa), HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (huyện Ia Grai), HTX Hạc giấy từ thiện Chư Pưh (huyện Chư Pưh), HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến (huyện Mang Yang)…
Dây chuyền chế biến chanh dây của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, hiện nay, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng số lượng HTX tham gia Chương trình OCOP chưa nhiều do còn gặp một số khó khăn về kinh phí. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ nên sản phẩm chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các đơn hàng lớn. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì số lượng HTX có sản phẩm OCOP năm 2020 tăng đáng kể so với năm 2019, nhiều sản phẩm từ 3 sao được nâng cấp lên 4 sao và có đầu ra ổn định.
Trong năm 2021, nhiều HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với đa dạng nhóm ngành. Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) đánh giá: “Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao”. Cũng theo ông Y Nguyên Ênuôl, qua thực tế cho thấy, tham gia Chương trình OCOP, HTX có nhiều ưu thế vì số lượng thành viên đông, tính cộng đồng rất tốt, đặc biệt là sự hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển HTX giai đoạn 2021-2025, Gia Lai phấn đấu có thêm khoảng 50 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP. Việc tham gia Chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
VŨ THẢO