Sai lầm khi sử dụng thuốc chữa ho không phải ai cũng biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ho có thể là một biểu hiện của rất nhiều bệnh. Các thuốc điều trị ho phải dựa theo nhóm nguyên nhân gây ho vì ho là phản xạ bảo vệ cơ thể nên thường không cắt cơn ho. Vì vậy, sử dụng thuốc ho sao cho đúng mới đạt hiệu quả trị bệnh.

 



PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra: Ho là một biểu hiện của rất nhiều bệnh. Người ta chia ho ra làm hai loại: Ho cấp tính kéo dài dưới 8 tuần và ho mạn tính kéo dài trên 8 tuần.

Trên thị trường dược phẩm có vô vàn các loại thuốc được dùng để chữa ho, từ các loại thuốc ho long đờm, thuốc giảm ho, đến các loại thuốc ho thảo dược... khiến người bệnh nhiều khi hoang mang, lúng túng, không biết nên sử dụng như thế nào?

Thuốc long đờm:

Các thuốc nhóm này thường dùng trong những trường hợp viêm nhiễm làm tăng độ quánh của dịch tiết trên bề mặt hệ thống biểu mô đường hô hấp. Biểu hiện thấy đờm đặc, có màu xanh, vàng, nâu hoặc gỉ sét... trong hệ thống hô hấp. Các thuốc thường dùng là:

Thuốc long đờm chứa các hoạt chất như guaifenisin, ipecacuanha, muối amoni, muối iod, natribenzoat, terpin... có tác dụng làm loãng đờm do làm tăng sự tiết dịch, do đó tăng thể tích, khối lượng đờm, làm cho đờm loãng ra, dễ tống ra ngoài nhờ phản xạ ho.

Thuốc tiêu chất nhầy có tác dụng trực tiếp lên đờm, làm thay đổi cấu trúc đờm bằng cách bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết trong đờm nhưng không làm tăng thể tích, khối lượng đờm, khiến cho đờm giảm độ nhớt, độ quách, dễ tống ra ngoài khi ho khạc.


 

Mật ong, gừng cũng được coi là bài thuốc dân gian trị ho.
Mật ong, gừng cũng được coi là bài thuốc dân gian trị ho.



Nhóm thuốc long đờm, tiêu chất nhầy làm giảm độ đặc quánh của đờm, chất nhầy để dễ ho khạc nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn như tràn dịch phổi và phá hỏng lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, dễ dẫn đến các bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày... Vì vậy cần thận trọng dùng thuốc long đờm, tiêu chất nhầy với người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng. Thuốc long đờm không phải là thuốc chống ho vì thuốc không có tác dụng vào cơ chế gây ho, nên thuốc không cắt được cơn ho.

Thuốc giảm ho:

Chỉ dùng trong trường hợp ho không có đờm (như ho do cảm cúm, ho do kích ứng, dị ứng...), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, không dùng trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản...). Không dùng cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc có tác dụng giảm ho do ức chế trung tâm gây ho như codein, pholcodin, dextromethorphan... Những thuốc trị ho có chứa codein chỉ dành cho người lớn, không dùng cho trẻ em vì gây ức chế hô hấp. Đặc biệt những thuốc trị ho có chứa codein tuyệt đối không được dùng cho trẻ dưới 18 tuổi vừa được cắt và/hoặc nạo V.A (dùng để giảm đau).

Thuốc kháng histamin:

Một số thuốc kháng histamin chống dị ứng đồng thời có tác dụng làm dịu, giảm ho và an thần. Nhược điểm chính của các thuốc này là gây buồn ngủ vì vậy bất lợi khi dùng thuốc ban ngày nhưng thuận lợi cho dùng về đêm và không được dùng thuốc khi lái xe, lái máy bay, vận hành máy móc...

Loại thuốc này cũng có tác dụng làm khô quánh đặc dịch tiết, khó tống đờm, có thể gây ra cục đờm tắc nghẽn. Vì vậy, không nên dùng trong trường hợp ho có đờm, người hen suyễn.

Ngoài ra, thuốc trị ho còn có nhóm các thuốc tê do tác dụng gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho nên làm giảm ho được dùng qua đường hít, ngậm.

Thuốc ho thảo dược:

Được sử dụng trong các bệnh viêm cấp hoặc mạn tính của đường hô hấp nhưng mức độ bệnh không nặng, hoặc ở phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc sử dụng chủ yếu từ các vị thuốc như tỳ bà diệp, sa sâm phục linh, trần bì, cát cánh, bán hạ, ngũ vị tử... Thuốc tác động ngăn cản vào cơ chế viêm, cản trở giải phóng các yếu tố gây viêm nên có tác dụng chữa ho.

Lưu ý khi dùng thuốc trị ho:

Thuốc giảm ho chỉ dùng cho trường hợp ho khan, không dùng cho người ho có đờm và có triệu chứng suy hô hấp. Nên dùng liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian càng ngắn càng tốt để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Không dùng đồng thời kết hợp thuốc ho với thuốc long đờm vì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng không ho khạc ra được.

Những thuốc trị ho phối hợp nhiều thành phần (như neocodion, codepect, atussin, arsiba...) ngoài tác dụng phụ còn có thể có những tương tác bất lợi với các thuốc khác khi dùng cùng lúc nên cần hết sức thận trọng khi dùng các thuốc này.

Minh An (LĐO)

Có thể bạn quan tâm