Rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Thời bằng tuổi con, bố/mẹ đã phải làm những việc này/việc kia, đã thế này/thế khác rồi đấy!”. Có lẽ câu nói này khá quen thuộc, bởi nó được nhiều ông bố, bà mẹ nhắc đi nhắc lại thường xuyên với con cái. Nhiều người dường như rất thích lấy cuộc đời mình ra để làm “tiêu chuẩn” trong việc dạy dỗ con, mà quên mất một điều rằng, giữa các thế hệ luôn có một khoảng cách.

Chị bạn tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ to nhỏ về chuyện cô con gái bắt đầu bước vào lứa tuổi “nổi loạn”. Chị gần như không thể nói chuyện được với con, bởi khi ở nhà, con thường vào phòng đóng chặt cửa lại. Đến bữa cơm, gọi mãi mới ra và suốt cả bữa ăn hầu như chỉ trả lời qua loa những câu hỏi của bố mẹ. Chị đã phải nhờ đến sự tư vấn hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, nhưng mọi việc cũng không mấy cải thiện. Bởi, chị vẫn muốn con sống theo ý chị, còn con chị lại tìm cách chống đối.

Một học trò chia sẻ với tôi rằng, bố em rất khắt khe. Ông luôn muốn con thực hiện các mệnh lệnh của mình, đồng thời hay so sánh tuổi thơ của ông với các con. Và ông cũng thường đưa ra kết luận: “Chúng mày bây giờ sướng quá rồi đâm ra chả biết gì”. Cái “biết gì” theo ý ông, đó là từ hồi bé, ông đã biết ra đồng mò tôm bắt cá, chăn trâu cắt cỏ, dầm mưa dãi nắng giúp cha mẹ việc đồng áng. Mỗi ngày, ông phải thức dậy từ tinh mơ để làm bao nhiêu việc, rồi đi bộ đến trường… Câu chuyện của ông lặp lại từ ngày này sang ngày khác, và thường thì được kể trong bữa cơm. Điều đó khiến không khí bữa ăn trở nên khá nặng nề. Nhiều lúc, em cũng đối đáp lại với bố rằng thời của chúng con giờ đã khác lắm. Nhưng thường thì vừa mới mở lời đã bị bố át ngay đi.

Đúng là những câu chuyện trên dường như rất quen thuộc với mỗi chúng ta. Lúc trẻ còn nhỏ, còn phụ thuộc, người lớn đem những câu chuyện của mình ra với mục đích “nêu gương” cho con cái, có thể chúng còn im lặng, hoặc vờ lắng nghe mà không phản đối. Nhưng khi trưởng thành, độc lập về kinh tế, không ít người con đã ra ở riêng vì không chịu được những gì mà cha mẹ áp đặt vào cuộc sống của mình. Người lớn luôn yêu thương con cái theo cách của họ, đôi khi hơi cực đoan, dễ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt ngay trong chính gia đình của mình. Trong khi bây giờ, điều kiện sống đã khác; nhiều trẻ ngay từ khi nằm trong bụng mẹ đã được chăm chút chu đáo, kỹ lưỡng. Vậy nên lấy đâu những việc nặng nhọc để cho trẻ con trải nghiệm? Thế thì, thay vì cứ mải mê mãi với việc lấy mình từ thuở xa lắc ra làm gương, người lớn nên dạy cho trẻ những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống hiện đại, để chúng được sống với đúng xã hội mà mình đang sống.

Tôi thường quan tâm và đặc biệt hứng thú với các chương trình giáo dục kỹ năng cho trẻ, chương trình giúp các bậc làm cha mẹ có thể đồng hành, làm bạn, hoặc ít nhất là có thể chia sẻ, gần gũi hơn với con. Để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong cùng một gia đình, cần cả một quá trình nuôi dạy trẻ tỉ mỉ và kiên nhẫn ngay từ khi chúng được sinh ra, chứ không phải chờ đến khi trẻ có những biểu hiện cư xử bất thường mới cuống quýt đi tìm biện pháp giải quyết. Sự gần gũi, thường xuyên chia sẻ, cởi mở, biết lắng nghe con cái, cẩn thận phân tích cho con thấy những mặt đúng/sai của vấn đề, khích lệ động viên kịp thời… có lẽ là những cách thức thiết yếu nhất để đưa người lớn đến gần với trẻ hơn.

Người Việt vốn coi trọng tình cảm, đặc biệt là tình cảm gia đình. Chính vì thế, có những gia đình tam/tứ đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà, trên kính dưới nhường, ấm êm hòa thuận. Tuy nhiên, ngày nay, giới trẻ có xu hướng tách ra ở riêng, không cần phải chờ đến khi lập gia đình, cũng bởi sự khác biệt quá lớn trong thói quen sinh hoạt, nếp nghĩ và cả sở thích cá nhân. Đó là điều các bậc làm cha làm mẹ cũng phải sẵn sàng chấp nhận, như chấp nhận xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Nhiều người, trước những quyết định lạ lùng của con cái, lại thường tự an ủi: “Thôi, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Mình tôn trọng nó thì nó sẽ tôn trọng mình”. Nhưng thiết nghĩ, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi mỗi người thu bớt cái tôi cá nhân lại, biết thích nghi cái mới, chấp nhận người khác với tất cả mặt tốt hay xấu của họ.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.