Plei Knông A, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện (Gia Lai) của Rmah Et là vùng đất trù phú, nằm giữa thung lũng với đất đai bằng phẳng. Nhưng hết đời này qua đời khác, năm nào dân làng cũng thiếu cái ăn do làm lúa rẫy không có nước nên mất mùa, phải vào rừng đào củ mài, săn con thú để có cái ăn. Là cán bộ, được đi nhiều, biết rộng thấy bà con trong làng khổ mãi, cái bụng của Rmah Et không yên.
Ông Rmah Et. Ảnh: Lê Anh |
Không thể vận động bằng lời nói, chỉ còn cách lấy thực tế để đồng bào tin. Vụ lúa năm đó, gia đình Rmah Et thu về 6 tạ lúa/sào, năm sau tăng lên hơn 8 tạ/sào. Lúc này ông mới tiếp tục vận động bà con theo mình làm lúa nước: “Bà con thấy chưa, một sào lúa nước năng suất bằng 1 ha lúa rẫy, lại không phải vất vả nhiều, không sợ con thú trên rừng nó phá lúa…”. Dù vậy, dân làng cũng chỉ dám nhận 2 sào/hộ, hộ nhiều nhất cũng chỉ 3 sào, nhưng với ông như thế cũng xem như đã thành công bước đầu. Do địa hình ở đây ruộng vẫn còn cao, nước chỉ có ở các kênh chính, nên ông mua thêm 4 máy bơm dầu để lấy nước vào ruộng cho dân làng. Nói rồi ông cười: “Ở đây tôi là người đầu tiên đưa bò vào cày ruộng đấy, nhưng cũng gian nan lắm…”.
Vì ông chưa dùng bò cày ruộng bao giờ, sau giải phóng chỉ thấy cán bộ Ngô Quyết Thù dạy cho một số người, nên ông cũng học “lỏm” được. Lần đầu chưa quen, đường cày không thẳng, ông phải lén tập cày, đến khi thành thạo mới áp dụng. Nhưng khi ông vừa đưa bò ra ruộng cày thì bị ông cậu của mình chửi xối xả. Vì theo quan niệm của dân làng, trâu, bò để cúng Yàng, “con người ăn cơm thì phải làm việc, con bò ăn cỏ thì không phải làm”. Nhưng với cái lý của Rmah Et ông cậu đành chào thua: “Nếu như vậy, cậu ra làm bằng tay, để tôi cày bằng bò xem ai làm nhanh hơn”. Hết cày ông lại chuyển qua bừa, nên ruộng của gia đình Rmah Et vụ nào cũng cho năng suất cao hơn, từ đó dân làng tin theo. Những năm sau, đời sống của bà con được cải thiện, không còn phải chịu cái đói khi giáp hạt.
Đến năm 2002, khi công trình thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành và đưa vào sử dụng, nguồn nước tưới dồi dào hơn, lúc này 100% người dân trong làng của ông đều đã làm lúa nước: “Đến bây giờ, dân làng tôi đều làm lúa nước rất tốt. Họ học theo kinh nghiệm của người Kinh, các loại phân bón, giống mới… đều được đưa vào sử dụng, nên năng suất lúa đạt rất cao. Cũng không phải chỉ có mình tôi vận động bà con trồng lúa nước, mà còn có Ksor Len, Rmah Pilk hay anh Đinh Nhiêu nữa đấy…”.
Với cánh đồng lúa Ayun Hạ gần 7.000 ha, huyện Phú Thiện trở thành thung lũng vàng, là vựa lúa lớn nhất của cả tỉnh, người dân nơi đây đang làm giàu từ cây lúa. Nhưng để có được như ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người như ông Rmah Et trong việc vận động đồng bào đưa cây lúa nước về làng.