(GLO)- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 17 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 4 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 62/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12-9-2022.
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng-chống tệ nạn xã hội (lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Trụ sở Bộ lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: Internet |
Trong lĩnh vực lao động, tiền lương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.
Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác…
Đối với lĩnh vực việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc làm; tuyển dụng và quản lý người lao động Việt Nam; thống nhất quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn và tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ban hành quy chế quản lý, khai thác sử dụng và phổ biến thông tin thị trường lao động; hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp…
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, giảm nghèo, công tác xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, đề án về trợ giúp xã hội, công tác xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản, chủ trì thực hiện; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về mức chuẩn trợ giúp xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội; hướng dẫn việc đăng ký, quản lý và cấp phép việc thành lập và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 17 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch-Tài chính; Văn phòng; Thanh tra; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Việc làm; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Người có công; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Trẻ em; Cục Phòng-chống tệ nạn xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
4 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gồm: Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Trung tâm Công nghệ Thông tin; Báo Dân trí; Tạp chí Lao động và Xã hội.
L.H