(GLO)- Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, tại Ninh Hòa (Khánh Hòa). Trải qua năm tháng hoạt động cách mạng và thơ ca, ông được trao nhiều giải thưởng văn học-nghệ thuật cao quý như: Giải nhì về thơ Tạp chí Văn Nghệ năm 1961; Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật. Nhân gặp ông tại Hội thảo thơ 100 năm Ngày sinh Hàn Mặc Tử tại TP. Quy Nhơn, Gia Lai online có cuộc trò chuyện ngắn cùng ông.
- Thưa nhà thơ Giang Nam, ông đã từng đến Gia Lai lần nào chưa ạ?
Nhiều lần rồi chứ, cái hồi Gia Lai-Kon Tum chưa tách tỉnh, tôi có đi công tác mấy chuyến, mỗi chuyến về cũng viết lách được chút ít về những nơi tôi đến, những người tôi gặp. Cách đây mấy năm tôi lên Pleiku, đúng vào dịp tháng 12 Âm lịch, lễ Noel, theo mấy bạn già đi uống cà phê trên đường Wừu, thời tiết lạnh và cà phê rất đậm đà, tình bạn ấm áp, đêm đó tôi về viết được bài “Đêm Pleiku và bạn”. Gia Lai với tôi nhiều kỷ niệm lắm, kể hoài không hết đâu...
- Nhà thơ từng giữ nhiều cương vị quan trọng như Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, đại biểu Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh... ông thấy mình hợp với vai trò nào nhất?
Tôi là một chiến sĩ cách mạng, Đảng giao trọng trách gì cũng phải làm cho tốt nhất trong khả năng có thể, dù gian khổ, hy sinh cũng chẳng nề hà. Nhưng suy ngẫm lại, hơn 80 năm đời mình tôi thấy việc làm thơ phục vụ cách mạng là cho tôi nhiều hứng khởi hơn cả, được gọi là nhà thơ tôi vẫn thấy vui nhất. Và càng vui vì những bài thơ của tôi được độc giả nhớ và yêu thích, mọi người bảo họ tìm thấy tuổi thơ vất vả hồn nhiên của họ trong những bài thơ tôi viết về quê hương. Hạnh phúc của một người viết là độc giả nhớ được tác phẩm của mình cô ạ.
- Tôi cũng chung quan điểm này với nhà thơ về nghề viết, tác phẩm và công chúng như ông vừa chia sẻ. Thưa nhà thơ, ông viết rất nhiều đề tài nhưng quê hương là đề tài được ông quan tâm hơn cả phải không?
Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của đời tôi. Tôi sẽ còn viết về quê hương của chúng ta cho đến khi nào tàn hơi kiệt lực. Cô thấy đấy, chẳng ai không có một quê hương, và cũng chẳng ai “lớn nổi thành người” nếu không biết ơn quê hương mình cả.
- Bài thơ “Quê hương” của ông luôn da diết đọng lại trong tâm khảm người đọc nhiều thế hệ. Cứ nhắc “Quê hương” là người đọc nhớ ngay về Giang Nam. Đây có là một tự hào đặc biệt với nhà thơ?
Đó là một hạnh phúc, và đó là số phận. 20 tuổi tôi giác ngộ cách mạng, có chút năng khiếu chữ nghĩa nên khi vào hoạt động, tôi được giao nhiệm vụ tuyên huấn. Chính những ngày làm cán bộ dân chính, tôi gặp và yêu nhà tôi bây giờ (bà Phạm Thị Chiều-nhân vật chính của “Quê hương”-P.V). Cưới xong, ở với nhau được đúng hai đêm, tôi lại phải nhận nhiệm vụ mới ở Bình Định. Một buổi tối giữa năm 1960, tôi được cấp trên cho hay tin dữ, vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù tại Phú Lợi (Bình Dương). Đau đớn đến bàng hoàng, bao nhiêu kỷ niệm cũ tràn về, lòng nghẹn ngào xót xa, tôi đã khóc nức nở và vừa khóc vừa viết bài thơ này chỉ trong một giờ đồng hồ. Cũng từ sau bài thơ đó tôi luôn nuôi dưỡng cho mình ý thức viết gì cũng phải chân thành và tha thiết nhất. Chỉ thế thơ mới đến được với độc giả thôi.
- Thưa ông, có phải như ông từng tâm sự “Có về nơi cuối trời vẫn đau đáu với quê hương, với thơ ca” mà những năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa-phụ trách văn xã ông đã viết nên trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết”?
Đúng vậy, được làm việc trên quê hương mình, được phục vụ nhân dân, có dịp tiếp cận nhiều hơn với người dân cũng như muôn mặt của cuộc sống, lại được nhiều người quý trọng và nhớ đến bài thơ “Quê hương” nên tôi cặm cụi viết, hứng khởi viết và trường ca đã ra đời, được độc giả đón nhận yêu mến. Tôi vẫn luôn cho rằng tôi là người may mắn trong cả nghề văn lẫn hạnh phúc riêng tư vì tôi trở về nguyên vẹn từ chiến trường, vợ con tôi còn sống sót, và giờ đây chúng tôi vẫn tuổi già bên nhau, tôi vẫn minh mẫn để cầm bút viết những điều có ích cho đời.
- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc chuyện trò này. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe và dồi dào sức viết.
Hoàng Thanh Hương (thực hiện)