Quảng Ngãi đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm, tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng.
Bến thuyền du lịch trên đảo bé Lý Sơn. (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

Bến thuyền du lịch trên đảo bé Lý Sơn. (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn cùng với bề dày lịch sử, văn hóa trải rộng khắp các vùng, miền, tuy nhiên những năm qua, du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Do đó, tỉnh đang nỗ lực từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm độc đáo, nổi bật và thu hút du khách để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quảng Ngãi có đường bờ biển dài hơn 130km, với nhiều bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai.

Kết hợp với sự đa dạng và đan xen kỳ diệu của địa hình, khí hậu nhiệt đới gió mùa, tỉnh có một hệ sinh thái rất phong phú, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như núi Cà Đam, thác Trắng, suối Chí.

Nơi đây cũng là mảnh đất giao thoa của các nền văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh và văn hóa người Việt cổ. Tinh hoa của các nền văn hóa lớn vẫn còn thấm đẫm trong từng di tích, di chỉ văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa văn, nghệ dân gian, nghệ thuật ẩm thực của cư dân bản địa.

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

Tháng 12/2022, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh tại thị xã Đức Phổ đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt gồm 6 địa điểm: Di tích Long Thạnh, di tích Phú Khương, di tích Thạnh Đức, di tích đầm An Khê, Lạch An Khê-sông Cửa Lỗ và quần thể di tích Chămpa.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi còn có Di tích quốc gia mang những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đặc biệt Trường Lũy có niên đại khoảng thế kỷ 16, chiều dài 127,4km.

Đây là được đánh giá là trường thành dài nhất của Đông Nam Á, có những điều kiện lý tưởng để trở thành một địa điểm du lịch sinh thái-lịch sử.

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có nhiều điểm đến như Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng, Nhà Chứng tích Sơn Mỹ, Khu quần thể di tích gắn liền với tên tuổi Anh hùng, Bác sỹ, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

Đến với Quảng Ngãi, du khách còn được tham gia các lễ hội mang đậm nét văn hóa lúa nước, văn hóa biển và thưởng thức những món đặc sản.

Đặc biệt, khi nói về vùng đất này không thể không nhắc tới đảo Lý Sơn. Với thắng cảnh thiên nhiên độc đáo hòa quyện với những nét hoang sơ vẫn còn lưu giữ, đảo Lý Sơn không chỉ là niềm tự hào của Quảng Ngãi nói riêng mà đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người Việt nói chung.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, hai tài nguyên du lịch nổi trội, mang tính cốt lõi của du lịch địa phương là biển, đảo mà Lý Sơn làm đại diện cùng văn hóa Sa Huỳnh với những đặc tính hoang sơ, bình yên, chứa đựng kho tàng giá trị về di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn chưa được biết đến.

Điều này sẽ thôi thúc du khách khám phá sự độc đáo, riêng có của điểm đến Quảng Ngãi, nhất là đối với du khách trẻ tuổi, thích khám phá.

Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm tạo động lực để phát triển, tháng 11/2021, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch.

Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, du lịch phục hồi và phát triển, có sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế và đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng.

Trong các giải pháp phát triển ngành du lịch, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

"Trong thời gian tới, Quảng Ngãi đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; ưu tiên các vị trí tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư các dự án quy mô lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực cho du lịch phát triển.

Tỉnh huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; phát triển thành phố Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch; tập trung khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương; đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch,” ông Dũng nhấn mạnh.

Song song với đó, Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực, huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các chương trình, đề án thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông như Tuyến đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi đến sân bay Chu Lai; tuyến đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh; các tuyến kết nối giao thông nội bộ thành phố Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía Đông Bắc (là Lý Sơn, Bình Sơn), phía Nam, Tây Nam (là Ba Tơ, thị xã Đức Phổ). Đây cũng là các tuyến mà tỉnh hình thành và đang quảng bá các tour du lịch, các điểm đến mới.

Tỉnh tiếp tục tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.

“Để đạt được mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trước tiên phải định vị được hình ảnh du lịch của tỉnh cho từng giai đoạn phát triển để phấn đấu, đồng thời đánh giá đúng hiện trạng và khơi dậy tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên.

Tỉnh nỗ lực liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách,” Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết.

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

(GLO)- Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.