Quan tâm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, việc thăm hỏi, động viên về tinh thần, chăm lo, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình và nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội NNCĐDC/dioxin. Qua đó, nhiều NNCĐDC và gia đình đã có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. 
Nhiều hoạt động trợ giúp NNCĐDC
Trước Tết Nguyên đán 2019, gia đình bà Đinh Thị Vông (làng Đak Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang) được Hội NNCĐDC/dioxin huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, UBND xã và bà con trong làng hỗ trợ thêm 35 triệu đồng để xây mới căn nhà. Bà Vông là con của NNCĐDC, là hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Bà Vông chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, ít đất sản xuất lại không có nghề nghiệp gì nên phải đi làm thuê làm mướn chỉ đủ gạo ăn, chưa kể thường xuyên đau ốm do bị nhiễm chất độc da cam. Tôi chưa bao giờ mơ tới việc xây được một căn nhà như thế này, vậy mà giờ đã thành hiện thực”. 
Được sự hỗ trợ của Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê, gia đình anh Phạm Văn Lăng (làng U, xã Kông Htok) đã dần vượt qua khó khăn. Anh Lăng có vợ là chị Phan Thị Lý là con của NNCĐDC. Vợ chồng anh có 4 người con thì 3 người bị thiểu năng trí tuệ, teo cơ chân tay, toàn thân mẩn ngứa bẩm sinh. Con đầu sau đó đã mất do bệnh tật. Bản thân chị Lý đang suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê đã phối hợp với Báo Dân Trí kêu gọi quyên góp hỗ trợ vợ chồng chị Lăng 45 triệu đồng, 1 cặp bò và hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên 2 người con. “Gia đình tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và các Mạnh Thường Quân. Nhờ sự trợ giúp này, gia đình tôi đã vượt qua được khó khăn, dần ổn định cuộc sống”-anh Lăng xúc động nói.
 Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ xây nhà cho NNCĐDC huyện Chư Sê. Ảnh: N.N
Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ xây nhà cho NNCĐDC huyện Chư Sê. Ảnh: N.N
Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông Phan Tuấn (tổ 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bị nhiễm chất độc da cam. Hậu quả là vợ chồng ông có 6 người con thì 4 người bị mù do di chứng chất độc da cam; trong đó, 3 người bị mù bẩm sinh, người thứ tư học xong cao đẳng có việc làm thì mắt bị mờ dần rồi mù hẳn. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương và Hội NNCĐDC/dioxin TP. Pleiku đã có những hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, 3 người con ông Tuấn bị mù bẩm sinh được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện học nghề mát xa, bấm huyệt và hiện có công việc ổn định. Ngoài ra, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố còn vận động quyên góp xây nhà cho anh Phan Đình Huy (con trai ông Tuấn) và hiện cũng đã vận động được 40 triệu đồng để tiếp tục hỗ trợ chị Phan Thị Thanh Thảo (con gái ông Tuấn) làm nhà. Ông Nguyễn Xuân Hoàn-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP. Pleiku-cho biết: “Vợ chồng chị Thảo đều bị mù do ảnh hưởng của chất độc da cam và phải ở nhờ nhà cha mẹ. Đây là trường hợp hết sức khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi thêm để giúp gia đình bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”.
Tiếp tục vận động gây quỹ

Sáng 9-8, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Mang Yang tổ chức tọa đàm kỷ niệm 58 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8). Dịp này, Hội tặng 15 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho nạn nhân và gia đình nạn nhân nghèo vượt khó. Cùng ngày, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đức Cơ tổ chức thăm, tặng 65 suất quà (300 ngàn đồng/suất) cho các nạn nhân là người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bị nhiễm chất độc hóa học và những gia đình có con bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn. Dịp này, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Pah cũng tổ chức đi thăm, tặng 10 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
ĐINH YẾN

Tỉnh ta có khoảng 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 6.225 người là nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và 6.747 người bị nhiễm gián tiếp; nhiều người là phụ nữ và trẻ em, trên 400 người thuộc thế hệ thứ ba. Khoảng 30% gia đình NNCĐDC là hộ nghèo cần sự trợ giúp.
Những năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự chung tay, đồng hành và chia sẻ của toàn xã hội. Qua đó, việc vận động Quỹ NNCĐDC/dioxin toàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp vào Quỹ NNCĐDC/dioxin toàn tỉnh hơn 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho NNCĐDC khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất không lấy lãi; tổ chức thăm, tặng quà cho NNCĐDC vào các dịp lễ, Tết…
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong vận động gây quỹ, giúp đỡ nạn nhân da cam. Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê-cho hay: Ngoài vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đóng góp ủng hộ Quỹ NNCĐDC/dioxin, Hội còn phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin các địa chỉ cần trợ giúp để huy động sự đóng góp của cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều trường hợp đã được trợ giúp kịp thời, vượt qua khó khăn.
Ông Đỗ Tiến Quý-Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh-cho biết: Ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên nạn nhân da cam, Hội tiếp tục có kế hoạch vận động gây quỹ với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp; vận động các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ đạt chỉ tiêu đề ra. Song song với đó, các cấp Hội thực hiện quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng; dành 50% quỹ để hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam như: làm nhà mới, sửa chữa nhà, cho vay sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ học bổng, học nghề, tìm việc làm, điều trị bệnh hiểm nghèo… Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động tham gia lấy chữ ký ủng hộ vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, buộc các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả do họ gây ra.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).