Ảnh: K.N.B |
Đoàn Thanh niên đã triển khai các hoạt động cụ thể gì hưởng ứng Tháng An toàn giao thông năm nay?
Với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh- thiếu niên và cộng đồng”, Đoàn Thanh niên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), sinh viên, học sinh; đồng thời có kế hoạch phối hợp với các đoàn thể, gia đình và phân công đoàn viên bảo lãnh, giáo dục thanh- thiếu niên có hành vi tụ tập, đua xe trái phép không tiếp tục vi phạm…
Đặc biệt, Đoàn chú trọng công tác thành lập mới và củng cố các đội thanh niên tình nguyện (TNTN) tham gia giữ gìn an toàn giao thông. Hiện nay, ở 17 Huyện, Thị, Thành đoàn trong tỉnh đều thành lập được các đội, nhóm thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở các giao lộ, các chốt đèn xanh đèn đỏ, các địa điểm có mật độ giao thông cao và phức tạp tại địa phương, nhất là khu vực trường học nằm trên các giao lộ lớn. Điển hình là Thành đoàn TP. Pleiku duy trì 8 đội TNTN với 52 đội viên thường xuyên tham gia hướng dẫn giao thông vào giờ cao điểm ở các ngã ba, ngã tư, khu vực đông dân cư của thành phố. Huyện đoàn Chư Sê, Thị đoàn An Khê cũng là những đơn vị có đông TNTN tham gia vào đội thanh niên xung kích (TNXK) giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Sự có mặt của đội TNXK đã tác động đến ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ còn hạn chế. Tổ chức Đoàn đã giúp đỡ họ như thế nào?
Thực tế có nhiều thanh niên nông thôn khi lên thành phố đã vi phạm luật lệ về giao thông do không hiểu hết luật. Tại địa phương, tình trạng thanh niên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vẫn còn khá phổ biến. Những trường hợp này, nếu bị phát hiện sẽ nhắc nhở, kiểm điểm trong các cuộc sinh hoạt chi đoàn, lấy đó làm tiêu chí đánh giá, xếp loại đoàn viên.
Lâu nay chúng tôi vẫn tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông trong những buổi sinh hoạt. Trong các mùa hè xanh, sinh viên tình nguyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức sinh động, sáng tạo, nhưng do địa bàn hoạt động hạn chế nên đối tượng hưởng lợi cũng không nhiều. Sắp tới, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi còn cho phát tờ rơi, tài liệu bằng tiếng Jrai, Bahnar rộng rãi để thanh niên địa phương dễ nắm bắt nội dung và có ý thức chấp hành giao thông tốt hơn.
Chúng ta thường nhắc nhiều đến khẩu hiệu “Thanh niên với văn hóa giao thông”, Đoàn sẽ làm gì để cụ thể hóa điều này?
Để “Văn hóa giao thông” trở thành ý thức của mỗi đoàn viên, thanh- thiếu niên chứ không chỉ là “khẩu hiệu hành động”, theo tôi, cần đổi mới hình thức tuyên truyền như tổ chức những sân chơi, những cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông Đường bộ… với hình thức sân khấu hóa như thế, nội dung sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về an toàn giao thông cho cán bộ Đoàn cấp cơ sở, tổ chức tọa đàm, hội thảo, chiếu phim trong các quán cà phê hay những nơi có đông thanh- thiếu niên sinh hoạt; vận động đoàn viên, thanh niên đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Hơn nữa, biểu dương những gương tốt, việc tốt và phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông… tất cả nhằm hướng đến mục tiêu: Mỗi đoàn viên, thanh- thiếu niên sẽ có ý thức và cư xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Cảm ơn anh!
Hoàng Ngọc (thực hiện)