QCG và CEO Nguyễn Thị Như Loan: 'Biệt tài' có đất vàng giá rẻ, nhiều tai tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) - là cái tên nổi tiếng song cũng nhiều tai tiếng liên quan dự án đất công và vụ Trương Mỹ Lan…

Nhiều dự án tai tiếng

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) do bà Nguyễn Thị Như Loan làm tổng giám đốc được biết đến là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu khu vực phía nam. Đây là một doanh nghiệp nổi tiếng nhưng cũng có nhiều lùm xùm tai tiếng, một thời gắn với cái tên ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) - con trai bà Loan và cũng từng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, trước khi rút ra khỏi QCG và kinh doanh riêng.

Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan gần đây lại nổi lên sau khi bị tòa tuyên phải trả 2.883 tỷ đồng trong vụ Trương Mỹ Lan và mới nhất là sự vắng mặt của bà Nguyễn Thị Như Loan “vì sức khỏe” dẫn đến việc tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên 2024 của QCG ngày 30/6.

Sáng 19/7, Bộ Công an khám xét nhà của tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, tại Quận 3, TP.HCM.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM (rộng hơn 6.000 m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước).

Về nguồn gốc, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tháng 12/2009, hai doanh nghiệp cao su nói trên góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín; trụ sở tại số 39-39B Bến Vân Đồn) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.

Sau khi được giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Phú Việt Tín không những không triển khai dự án mà cơ cấu các bên góp vốn liên tục thay đổi. Đến năm 2014 có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai).

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trong vụ này, Quốc Cường Gia Lai đã chi 465 tỷ đồng để mua vốn của Phú Việt Tín, sau đó bán cho hai pháp nhân và một cá nhân, thu lợi nhuận 382 tỷ đồng.

Cuối tháng 3/2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên.

Quá trình thanh tra dự án trên khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định 12/2009 của Chính phủ.

Ngoài ra, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại số 39-39B Bến Vân Đồn không qua đấu giá là thực hiện không đúng Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM rơi vào tay Quốc Cường Gia Lai sau thương vụ mua bán vốn góp khá lòng vòng, trước khi bán lại cho bên khác. Nay là dự án The Tresor thuộc Tập đoàn Novaland.

Cảnh sát xuất hiện trước nhà bà Loan lúc hơn 9h sáng nay. Ảnh: N.L

Cảnh sát xuất hiện trước nhà bà Loan lúc hơn 9h sáng nay. Ảnh: N.L

Theo kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan), cơ quan điều tra đã kiến nghị kê biên 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM). Hội đồng Xét xử tuyên án buộc QCG phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Hồi đầu năm 2022, Quốc Cường Gia Lai bị đề nghị xem xét trách nhiệm liên quan tới vụ chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Trước đó, tháng 10/2021, VKSND TP.HCM cũng từng trả hồ sơ, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018.

Trong thập kỷ qua, Quốc Cường Gia Lai của mẹ ông Cường Đôla không chỉ dính lùm xùm liên quan tới 2 dự án Phước Kiển mà còn nhiều tai tiếng liên quan tới việc công bố thông tin sai lệch và những vụ kiện tụng của khách hàng mua căn hộ trong các dự án của doanh nghiệp này.

Hồi cuối 2016, CTCP Đầu tư Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai đã ký biên bản ghi nhớ về việc QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của QCG trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny. Vụ hợp tác với Sunny Island sau đó trục trặc và dẫn tới kiện tụng kéo dài.

Gần hơn là vụ mua đất vàng giá bèo tại dự án Phước Kiển 32ha. Vụ việc khiến dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị kỷ luật sau khi bán đất rẻ cho QCG.

Tân Thuận đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2.

Nhiều năm thua lỗ, cổ phiếu 'lên voi xuống chó'

QCG là một cổ phiếu biến động rất mạnh trong nhiều năm qua, tăng, giảm nhiều lúc lên tới 5-7 lần. Trong hơn thập kỷ, QCG liên tục dính lùm xùm, tai tiếng, từ những dự án liên quan tới đất công, việc chậm giải phóng mặt bằng, dự án bị khách hàng kiện tụng, cho tới việc ít trả cổ tức, cổ phiếu thất thường…

QCG ghi nhận những đợt tăng, giảm với biên độ rộng hiếm có trên thị trường chứng khoán.

Từ tháng 10/2016 tới tháng 3/2017, cổ phiếu QCG vọt từ mức hơn 3.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên mức hơn 24.000 đồng/cp, rồi sau đó lao dốc về mức 4.500 đồng hồi tháng 10/2018

Từ mức khoảng 6.000 đồng/cp hồi tháng 7/2021 vọt lên mức 21.600 đồng/cp vào giữa tháng 1/2022.

Kể từ 2010 tới nay, cổ phiếu QCG đã có 2 lần tăng vọt lên khoảng 25.000-30.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) và cũng có 3 lần xuống quanh ngưỡng 5.000 đồng/cp.

Trong phiên giao dịch sáng 19/7, cổ phiếu QCG giảm sàn 7% xuống 9.070 đồng/cp. Dư bán sàn tới cuối giờ sáng lên tới hơn 2,7 triệu đơn vị. Trước đó, cổ phiếu này có nhiều phiên giảm sàn và gần sàn.

Hồi tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Như Loan cũng đã thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch (chỉ còn làm TGĐ) sau khi con trai là ông Nguyễn Quốc Cường rời QCG và phát triển các dự án riêng.

Trước đó, tháng 11/2018, ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi tất cả vị trí tại QCG.

Mặc dù bà Loan không còn làm chủ tịch và con trai rút khỏi QCG nhưng nhà bà Loan còn nắm giữ khoảng 55% cổ phần tại QCG.

Bà Loan hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương 37,05% vốn tại doanh nghiệp. Con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My đang nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG (0,2%).

Người thay bà Loan nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT là ông Lại Thế Hà. Ông Hà được biết đến là một cổ đông lâu năm, gắn bó với Quốc Cường Gia Lai từ khi QCG mới là một xí nghiệp tư nhân ở Gia Lai.

Trong nhiều năm qua, QCG ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, liên tục lùm xùm kiện cáo...

Trong nhiều năm, QCG nhiều lần vay hàng trăm tỷ đồng tiền của cá nhân lãnh đạo, như Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà…

Trong khi Quốc Cường Gia Lai chìm ngập giữa khó khăn, kinh doanh bết bát, oằn mình trả nợ, có nhiều khoảng thời gian ông Cường Đôla nổi đình đám với hotgirl và siêu xe.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(GLO)- Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.