Mưu sinh trên hồ Hòa Bình, bài 1: Bơi trên lộc trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách đây gần 40 năm, dòng sông Ðà bắt đầu bị ngăn lại, tạo ra hồ Hòa Bình ngày nay. Với quy mô khổng lồ, hồ Hòa Bình vượt ra khỏi ý nghĩa của một công trình thủy điện, thủy lợi mà trở thành một hệ sinh thái, một không gian sống mới với những câu chuyện thú vị…
 
Anh Xa Văn Ðông chủ yếu nuôi cá bằng rau sắn và cỏ, thức ăn công nghiệp anh chỉ dùng lúc cần thiết
Anh Xa Văn Ðông chủ yếu nuôi cá bằng rau sắn và cỏ, thức ăn công nghiệp anh chỉ dùng lúc cần thiết
Manh lưới, bộ cần cũng đủ sống
Chúng tôi xuống hồ Hòa Bình từ một bến thuyền ở xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Chiếc thuyền nhỏ của cô lái đò Bùi Thị Phương kêu lạch bạch nhưng cũng đủ đưa chúng tôi lướt trên mặt hồ trong xanh với cơ man núi đồi nhấp nhô.
Từ bến thuyền Săng Bờ này, chỉ cần đi ít phút sẽ đến ngay các thắng cảnh, di tích lịch sử quan trọng nhất của hồ Hòa Bình. Chuyện về các thắng cảnh, di tích này rất thú vị, biến đổi trùng điệp cùng quá trình ngăn đập, tạo hồ. Tuy nhiên, xin được hầu bạn đọc những chuyện đó ở các bài sau. Đặc sản cần nói trước hết của hồ, đặc biệt của hồ Hòa Bình là cá. Cá sông Đà, cá hồ Hòa Bình - một thương hiệu của xứ sở này.
Tôi nhờ Phương tạt vào bán đảo ở xã Vầy Nưa rồi đi lên khu chợ chuyên bày bán những mẹt, những xâu, những kẹp cá khô, cá nướng thơm lừng cho khách du lịch. Qua người quen giới thiệu, chúng tôi ngỏ với anh Quách Công Hồi, sinh năm 1970, xóm Săng Bờ được đi đánh cá cùng. Vừa dứt lời, anh Hồi đáp gọn: “Được! 3h sáng, anh em mình cùng đi”.
2h30 tôi dậy chuẩn bị đồ đạc cùng anh Hồi đi cất vó. Vừa thả vó, anh Hồi vừa chia sẻ: “Đa số bà con xã Vầy Nưa sống bằng nghề đánh bắt, nuôi cá, chỉ một số ít làm du lịch. Hằng đêm, chúng tôi dong thuyền trên hồ. Hồ vừa sâu, vừa rộng nên có rất nhiều loại cá to sinh sống; trong đó, có những loài cá măng, các quất, cá chiên… đặc sản được khách du lịch yêu thích”.
Giữa mặt hồ đêm tĩnh lặng nhưng xa xa là những chiếc đèn soi của những người làm nghề đánh bắt tạo nên không gian đầy sức sống. Anh Hồi kể, khi hồ mới tích nước, chỉ cần mảnh lưới đơn giản hoặc vài chiếc câu đã có thể đánh bắt rất nhiều cá. Hồi đó, cứ đánh được cá, anh mang đi đổi lúa, đổi khoai, bán lấy tiền là đủ nuôi cả nhà… Gia đình anh nuôi dạy con cái trưởng thành, tất tần tật đều nhờ nguồn cá dồi dào trong hồ này.
 
Ngư dân đánh cá trên hồ Hòa Bình
Ngư dân đánh cá trên hồ Hòa Bình
Mặt trời lấp ló, soi lên mặt hồ tạo nên vầng hào quang đẹp tuyệt vời. Bỗng đâu, mây đen kéo đến, xả một cơn mưa rừng như xối. Hai anh em chúng tôi vội thu dọn ra về. Nhìn khuôn mặt chưng hửng của tôi, anh Hồi tặc lưỡi: “Không sao, nghề này là vậy. Có được ít cá mương, ta về làm gỏi”.
Tiệc, phải nói đúng là tiệc vì món gỏi quá tươi ngon, độc lạ với những rổ rau rừng xanh mướt. Ở đó, tôi được ngồi với những cụ cao niên của xóm Săng Bờ, những người đánh cá từ thuở bé với chiến tích là những con cá cực khủng. Ông Đinh Công Thậu, 80 tuổi kể, ông đánh bắt cá từ 12 tuổi, khi dòng Đà Giang còn cồn sóng dữ; thác Bờ vẫn gào thét ngày đêm. “Tôi đã từng đánh được con cá măng 27kg. Giờ tuổi già nhưng vẫn ham. Chiều tà là tôi chèo thuyền thả lưới, 5 giờ sáng ra thu lưới về. Làm chơi chơi nhưng vẫn đủ tiền cho vợ chồng chi tiêu, còn biếu cho cháu chắt ít đồng mua sách bút” - ông Thậu vừa nhấp rượu vừa nói.

Ngày 6/11/1979, cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á thời bấy giờ. Nhà máy hoàn thành năm 1991 với công suất 1.920 MW. Theo các số liệu công bố của Tập đoàn Ðiện lực, hồ Hòa Bình là hồ có dung tích lớn nhất trong các hồ nước ngọt của nước ta với 9,7 tỷ m3, cao hơn thủy điện Sơn La (9,26 tỷ m3). Hồ Hòa Bình có tổng diện tích mặt hồ 208km2, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố với 47 đảo lớn nhỏ.

Nhốt thủy quái vào lồng
Dù cá khủng ngoài tự nhiên ít đi, nhưng nếu thực khách muốn thưởng thức các loại cá to, ngon cũng không phải việc khó. Anh Nguyễn Trung Nam, 54 tuổi, TP. Hòa Bình, một nhân vật nuôi cá đặc biệt trên hồ Hòa Bình nhận lời giúp chúng tôi xâm nhập cộng đồng của anh. Chúng tôi xuống cảng Bích Hạ (TP. Hòa Bình) để lên thuyền, ngược hồ Hòa Bình. Trong tiếng máy nổ rẽ sóng, anh Nam phân tích: 5 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình phát triển rất mạnh. Trong đó, mô hình nuôi cá kết hợp với du lịch trên hồ trở nên nhộn nhịp, cho thu nhập cao tại các xã Thung Nai (Cao Phong), Ngòi Hoa (Tân Lạc), Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa (Đà Bắc), Phúc Sạn, Ba Khan (Mai Châu).
 
Một con cá măng cỡ lớn ngư dân bắt được trên hồ Hòa Bình
Một con cá măng cỡ lớn ngư dân bắt được trên hồ Hòa Bình
Là dân trong nghề nhưng anh Nam không hề né tránh. Những con cá to, hiếm, chất lượng thịt cao, được ví von là “thủy quái sông Đà” đã tạo nên thương hiệu “cá sông Đà” hay “cá hồ Hòa Bình”. Nhưng bây giờ, trên hồ Hòa Bình ít có những con cá “khủng” ngoài tự nhiên như vậy. Thay vào đó cá lăng, cá trắm nặng vài chục cân được nuôi rộng rãi trên hồ. “Những con cá nuôi như vậy to, ngon không kém gì thủy quái. Mỗi con 10, 15 thậm chí 20 kg. Khách có thể yêu cầu bắt ngay trong lồng, ngả ra làm thịt, ăn ngay trên bè” anh Nam chia sẻ.
Mải mê với câu chuyện của anh Nam, chốc lát, chúng tôi đã về lại Vầy Nưa của Đà Bắc. Chèo thuyền đến một vịnh nhỏ trên hồ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Xa Văn Đông ở xóm Săng Bờ khi hai vợ chồng đang chuẩn bị cỏ, lá sắn cho cá ăn. Nhà anh Đồng nuôi 8 lồng cá loại 70m3, chủ yếu là loại cá đặc sản cỡ lớn như lăng, trắm đen…
Chia tay anh Đông, chúng tôi tiến ra giữa lòng hồ nơi có hơn 120 lồng cá của Công ty TNHH thủy sản Hưng Nguyên. Vừa kết thúc cuộc họp với Hiệp hội nuôi cá lồng huyện Đà Bắc, anh Hoàng Thành Vĩnh, Giám đốc Công ty dẫn chúng tôi tham quan hệ thống nuôi trồng đầu tư quy mô, bài bản tại đây. Anh Vĩnh cho hay, ngoài tự chăn nuôi, Công ty đang mở rộng hợp tác với nông dân từ khâu nuôi trồng, đến bao tiêu sản phẩm.
Trong khi đang lênh đênh trên hồ Hòa Bình, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình đi khảo sát trữ lượng thủy sản và kiểm tra độ ô nhiễm nước. Ông Son cho biết, gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư mô hình 200 - 300 lồng. “Chúng tôi đang đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các loại cá quý như cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá bống, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt để phát huy thương hiệu cá hồ Hòa Bình”, ông Son nói.
(Còn nữa)
Theo Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.