(GLO)- Hạt tiêu Chư Sê đã được công nhận thương hiệu và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Và đương nhiên, trong nhiều món ăn thường ngày, đặc biệt là những ngày Tết của người Việt thì không thể thiếu loại gia vị này.
Khởi đầu tạo dựng vùng tiêu Chư Sê
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) sau khi nghiên cứu đã vạch ra ranh giới trồng hồ tiêu đạt chất lượng tốt nhất là vùng đất từ Nam núi Hàm Rồng kéo dài đến Cầu 110, nơi tiếp giáp giữa Gia Lai và Đak Lak. Còn về bề ngang, các chuyên gia cũng khoanh lại một phần diện tích của huyện Chư Sê và một phần diện tích của huyện Chư Prông với chiều rộng khoảng 70 km. Những yếu tố cơ bản cũng được xác định để tạo ra được hạt tiêu Chư Sê có chất lượng cao, đó là đất đai, tiểu vùng khí hậu, thời tiết.
Hồ tiêu Chư Sê. |
Tuy nhiên, nhân tố hình thành nên vùng trồng hồ tiêu nổi tiếng Chư Sê thì chính là người gốc Huế. Năm 1977 và những năm sau đó, một số hộ dân từ Huế đến huyện Chư Sê xây dựng kinh tế mới. Thời điểm đó, số đông người Huế đến Chư Sê nhưng cũng có một số đến Lộc Ninh, Sông Bé (nay là Bình Phước) để lập nghiệp. Những người Huế ở Chư Sê vượt trên 400 cây số vào tận Lộc Ninh thăm nhau. Khi về món quà của người Huế ở Lộc Ninh tặng là những dây hồ tiêu. Và những dây hồ tiêu Lộc Ninh bắt đầu được người Huế trồng đầu tiên là ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Với vùng đất mới, cùng với sự chăm sóc khéo léo, cẩn thận, chịu khó, cần cù của người trồng, cây hồ tiêu ở Ia Blang phát triển rất tốt, cho năng suất, chất lượng vượt trội. Đến nay, diện tích hồ tiêu toàn vùng lên đến 10.000 ha với sản lượng gần 40.000 tấn và với giá tại thời điểm này 150.000 đồng/kg thì doanh thu lên đến 60.000 tỷ đồng.
Những tỷ phú đích thực
Những người trồng hồ tiêu ở 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh hiện nay có rất nhiều người giàu, thu tiền tỷ mỗi năm. Người trồng hồ tiêu ở nhà biệt thự với những tiện nghi đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, đi xe ô tô hạng sang thăm vườn, lướt Web bằng máy tính xách tay... là phổ biến. Họ không còn là “tỷ phú chân đất” mà là những nông dân thời công nghệ mới. Họ lướt Web không phải để cho oai mà là nắm bắt, cập nhật thông tin về giá cả hồ tiêu trên thị trường thế giới.
Ông Lê Phước Tuấn (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) là người như vậy. Ông Tuấn từ Huế vào Chư Sê lập nghiệp năm 1977, khi ấy mới 31 tuổi. Năm 1987, ông Tuấn trồng 5 trụ hồ tiêu, sau 2 năm thì cho thu hoạch. Ông Tuấn nhớ lại: “Lúc đó, thu hoạch hồ tiêu nhưng không bán mà đem đi đổi gạo, cứ 1 kg tiêu đổi được 35 kg gạo. Ngày ấy trồng hồ tiêu rất dễ, cứ thả xuống là lên, không bệnh tật gì mà năng suất rất cao, dễ như trồng khoai”. Theo ông Tuấn, thịnh vượng nhất là từ năm 1994 đến 2014, lúc đó giá chỉ 60.000 đồng/kg nhưng năng suất, sản lượng rất cao. Mỗi năm, ông Tuấn thu được 26 tấn hạt tiêu khô. Hiện nay, ông Tuấn chỉ giữ lại 1 ha tiêu. Ông Tuấn có đến 8 người con, chỉ có 1 người ra thị trấn ở, còn lại đều ở cùng xóm với cha mẹ. Mỗi người con của ông Tuấn, khi xây dựng gia đình riêng, đều được ông chia đất để trồng hồ tiêu, gây dựng cuộc sống. Dãy nhà sát cạnh nhau, toàn là biệt thự của 6 người con của ông Tuấn cũng được xây bằng tiền trồng hồ tiêu. Hiện tại, 6 người con của ông Tuấn, mỗi năm thu được khoảng 30 tấn hạt tiêu, tương đương 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Luyến (thôn 6, xã Ia Blang) là một trong những người trồng nhiều hồ tiêu nhất huyện Chư Sê. Năm 1977, ông Luyến cũng theo gia đình từ Huế lên Chư Sê xây dựng kinh tế mới. Đến năm 1991, ông Luyến bắt đầu trồng 200 trụ hồ tiêu. Tuy trồng muộn hơn nhiều người nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, cộng với sự quyết đoán, ông Luyến nhanh chóng mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Đến năm 2012, ông Luyến đã trồng được 20.000 trụ hồ tiêu, tương đương với 8 ha. Giai đoạn đỉnh điểm, ông Luyến thu 100 tấn tiêu một năm, trở thành người có sản lượng tiêu lớn nhất huyện và trở thành người giàu có. Nếu lấy thời giá hiện nay thì ông Luyến thu về 15 tỷ đồng/năm. Đến nay, tổng tài sản mà ông Luyến tích lũy được vào khoảng trên 30 tỷ đồng.
Hoàng Anh Phượng