Tin nóng: Vận động người khỏi Covid-19 hiến huyết tương điều trị bệnh nhân nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phác đồ điều trị Covid-19 lần 4 cho phép sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19 để điều trị. Hiện cơ sở y tế đang liên lạc với các trường hợp điều trị Covid-19 đã khỏi bệnh để vận động hiến huyết tương.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết đang liên lạc với các trường hợp điều trị Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh, vận động hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân nặng mắc Covid-19. Nếu bệnh nhân đồng ý sẽ mời đến bệnh viện và được bệnh viện bố trí khu vực riêng để thực hiện quy trình này.
Mới đây, trong phác đồ điều trị Covid-19 sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương lấy từ những người bệnh Covid-19 đã khỏi và có đủ tiêu chuẩn để điều trị cho người bệnh nặng. Những người bệnh đã khỏi được tuyển chọn từ 373 bệnh nhân Covid-19 giai đoạn trước.
Theo các chuyên gia, trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng. Điều quan trọng nhất trong hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương.

Bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi trước đó - Ảnh: Lê Hảo
Bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi trước đó - Ảnh: Lê Hảo
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, quá trình lấy huyết tương không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe người hiến, bởi sẽ có hệ thống máy lọc để tách riêng huyết tương của người bệnh. Sử dụng huyết thanh chứa kháng thể từ bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh là phương pháp hỗ trợ điều trị thêm cho bệnh nhân nặng có lượng virus lớn
Trước đó, các đơn vị y tế trong nước đang bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng phương pháp truyền huyết tương chứa kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 để điều trị cho bệnh nhân nặng. Bộ Y tế đã giao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (nơi có đủ điều kiện thực hiện tách huyết tương ra khỏi các thành phần máu, tinh khiết chế phẩm) phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19. 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, để điều trị cho người bệnh Covid-19 thể nặng.

Huyết tương sẽ được gạn tách từ máu của người hiến - Ảnh: Công Thắng
Huyết tương sẽ được gạn tách từ máu của người hiến - Ảnh: Công Thắng
Theo Bộ Y tế, trong đợt dịch này đã các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng rơi vào nhóm người cao tuổi và người có bệnh mãn tính. Hiện đang có 11 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, trong đó có 4 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), 7 bệnh nhân thở máy xâm nhập, hồi sức tích cực. Các chuyên gia đánh giá nguy cơ tử vong đối với các bệnh nhân này rất cao.
Đến nay, Việt Nam đã có 8 bệnh nhân Covid-19 tử vong, 7/8 người trên 60 tuổi. Cả 8 bệnh nhân đều có bệnh lý nền điều trị nhiều năm.
D.Thu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.