Hơn 13 năm công tác trong nghề, chị Nguyễn Thị Diễm My-đội viên Đội Thông tin tuyên truyền lưu động (Nhá hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San) đã cùng đồng nghiệp có mặt ở rất nhiều làng, xã, huyện trên địa bàn tỉnh để xây dựng hàng trăm chương trình biểu diễn và tuyên truyền lưu động tại cơ sở.
Chị cho biết, Đội tham gia tuyên truyền với những hình thức chủ yếu như: ca múa nhạc, kịch tuyên truyền, tuyên truyền miệng và tuyên truyền trình chiếu các thước phim, hình ảnh tư liệu có nội dung phù hợp chủ đề của đêm tuyên truyền.
Đội có 13 thành viên, trong đó có 2 lái xe, 2 nhân viên kỹ thuật âm thanh-ánh sáng và 9 diễn viên. Những cá nhân trong đội đều là người đa tài khi phải đảm nhận tất cả các công việc như chuẩn bị kịch bản, biên đạo múa, sáng tạo tác phẩm hát, múa, kịch và nhiều năng khiếu khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù áp lực công việc những anh em trong đội vẫn luôn vui vẻ và hăng say với nghề.
Các thành viên của Đội tuyên truyền lưu động giao lưu cùng những em nhỏ tại xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. Ảnh: NVCC |
Là đội tuyên truyền lưu động, phải thường xuyên đi công tác địa bàn vùng sâu, vùng xa nên các thành viên không lạ lẫm với những trở ngại về địa hình đồi dốc, đường đi hay thời tiết bất lợi gặp phải trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, các chương trình diễn ra hầu hết vào buổi tối nên những anh chị em trong đội phải cố gắng hết sức, sắp xếp việc cá nhân ổn thỏa để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà vừa đảm bảo trách nhiệm với gia đình.
Nhớ lại những kỷ niệm khi đi công tác cơ sở, chị My cười vui: “Vì tính chất công việc phải giao lưu gần gũi với bà con tại các làng, xã vùng sâu, vùng xa nên Đội được bà con quý mến. Nhớ nhất là kỷ niệm những tháng cuối năm, thời tiết lạnh kinh khủng mà bà con vẫn chào đón nồng nhiệt, cố gắng trùm mền ngồi xem đến hết chương trình biểu diễn. Có những đêm diễn xong trời đã khuya, nhưng bà con vẫn nhiệt tình mời cả đội nán lại ăn bữa cơm tối mà bà con đã chuẩn bị từ trước. Những tình cảm ấy khiến chúng tôi nhớ mãi và yêu thương, gắn bó với bà con nhiều hơn”.
Chị Diễm My-Đội Tuyên truyền Lưu Động (Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San) chia sẻ kỷ niệm về những chuyến công tác ở cơ sở. Thực hiện: Trân Trân |
Còn bạn Hà Tuấn Nam (20 tuổi, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) hiện là sinh viên Khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Cao Đẳng Gia Lai) vừa là cộng tác viên Đội tuyên truyền lưu động huyện Chư Păh. Tuấn Nam đã tham gia vào đội được khoảng 1 năm. Nhóm cộng tác viên của Nam gồm có 5 bạn trẻ nhưng rất năng nổ, thường xuyên cùng với các anh chị trong Đội tuyên truyền lưu động huyện phối hợp xây dựng nội dung, đổi mới hình thức của các buổi biểu diễn; không ngừng nâng cao chất lượng chương trình tuyên truyền qua các hình thức như kịch, ca hát, múa,… để thu hút sự quan tâm của bà con, giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.
Các chương trình tuyên truyền lưu động tại cơ sở luôn được bà con đến xem đông đảo. Ảnh: NVCC |
"Chúng em tham gia tuyên truyền cho bà con về các chủ đề rất thiết thực như: phòng-chống đuối nước, đảm bảo an toàn giao thông hay các chủ đề về ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết,… Từ ngày tham gia đội tuyên truyền, em học hỏi được rất nhiều thứ, có thêm những kinh nghiệm, bài học quý giá để về truyền đạt lại cho gia đình, bạn bè. Khi cùng đội tuyên truyền về các làng, xã làm việc, hầu hết bà con đều rất quý mình, nhiệt tình và xem mình như con cháu trong nhà nên em cảm thấy rất vui và hạnh phúc”.
Được theo dõi trực tiếp chương trình biểu diễn văn nghệ của Đội và nghe tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững tổ chức tại làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh), chị Rơ Châm H’Hà-bộc bạch: “Mỗi khi có đội đến tuyên truyền và biểu diễn văn nghệ, tôi và bà con trong làng rất phấn khởi. Các tiết mục văn nghệ rất hay, ý nghĩa, giúp chúng tôi thay đổi cách suy nghĩ, học cách tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và thêm động lực cố gắng làm ăn, phấn đấu thoát nghèo.”
Với vai trò là Bí thư Đoàn xã Kdang (huyện Đak Đoa), anh Tên (làng Mrăh) cho biết: Vì thiếu nhân lực nên những cán bộ Đoàn như anh sẽ kiêm luôn công việc tuyên truyền cho bà con các làng trong địa bàn xã. Để có thể xây dựng chương trình tuyên truyền một cách tốt nhất, anh và các thành viên trong đội chuẩn bị nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Anh cho biết mặc dù bản thân cũng là người dân tộc thiểu số nhưng khi tuyên truyền những nội dung có liên quan đến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì vẫn khá là khó khăn, phải cố gắng diễn đạt làm sao thật dễ hiểu, gần gũi để bà con có thể nắm bắt thông tin một cách đầy đủ nhất.
Đội tuyên truyền viên xã Kdang (huyện Đak Đoa) làm nhiệm vụ tuyên truyền tại cơ sở Ảnh: NVCC |
“Ở những nơi chúng tôi đến tuyên truyền thì bà con rất vui vẻ, niềm nở, hợp tác và đồng thuận với những nội dung, chương trình mà đội đưa ra. Từ đó, thấy bà con cũng cố gắng làm ăn và phát triển kinh tế từng ngày để cuộc sống gia đình, buôn làng ngày càng đổi mới hơn. Đó cũng là phần thưởng lớn nhất cho những cố gắng của cả đội khi đi tuyên truyền tại cơ sở”-anh Tên trải lòng.
Bên cạnh đó, cán bộ đội tuyên truyền cũng thường xuyên được tham gia những buổi trao đổi kinh nghiệm, các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức, nhằm giúp mỗi cá nhân và cả tập thể nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, không ngừng sáng tạo và đổi mới cách thức xây dựng chương trình tuyên truyền tại cơ sở.
Chia sẻ của anh Tên-"thủ lĩnh" thanh niên xã Kdang. Thực hiện: Trân Trân |
Mỗi chương trình luôn chứa đựng cả niềm đam mê, tâm huyết và nỗ lực không ngừng của các tuyên truyền viên. Họ thực sự là "cầu nối" đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với quần chúng nhân dân, mang đến cho bà con ở vùng sâu, vùng xa những kiến thức, món ăn tinh thần bổ ích. Đồng thời, qua đó, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp bà con nâng cao hiểu biết, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.