Chất chứa niềm sum vầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Có những thức bình dân lại trở thành niềm thương da diết. Như cái món ốc lể, chẳng phải cao sang mỹ vị gì, rứa mà cứ miên miên gắn bó với người dân miền Trung tự bao giờ rồi trở thành một nét ẩm thực độc đáo.
Anh Hồ Quốc Vy cải thiện đời sống gia đình nhờ nghề cào ốc. Ảnh: M.N

Anh Hồ Quốc Vy cải thiện đời sống gia đình nhờ nghề cào ốc. Ảnh: M.N

“Ai ốc lể không?!”

Má rủ: “Ốc lể không hai nàng ơi”, ngay lập tức, hai nhỏ con gái đồng thanh ầm nhà: “Dạ ăn”. Chi chớ, cái món nớ, không khi nào chúng tôi từ chối. Mấy năm trước đi học xa nhà, cứ vào độ này, mọi người rần rần khoe ảnh lể ốc tràn ngập mạng xã hội là chúng tôi lại ấm ức. Rồi mang cái tủi hờn đó tỉ tê với bạn bè, mấy đứa xem ảnh xong ngơ ngác hỏi: “Con ốc chút chun có gì mà thèm đến độ điên đảo vậy?”. Thiệt, lúc đó, chúng tôi chỉ ước có tô ốc lể ngay đó để người hỏi tự ăn, tự cảm và tự “nghiện” cái thức bình dân ấy.

Nay đúng dịp bạn bè từ Sài Gòn ra, khi mẹ hỏi chừ mua mấy lon hè, tôi và nhỏ em quyết định chốt con số năm cho “đã cái nư”. Vào mùa, đâu đâu cũng thấy những quầy, những xe ốc lể dọc các con đường. Nhưng tôi và má luôn ghé quầy ốc lể quen ở chợ Hòa Cường (đường Lê Thanh Nghị, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ba thau lớn ăm ắp ốc xiu xíu bằng nút áo rộn ràng dưới nắng như nhiệt tình mời gọi.

Thấy tôi dòm dòm, người bán vội chào: “Chị Hà đi vắng rồi, anh bán giùm, anh là anh ruột chị Hà. Ốc ngon lắm, loại 30 ngàn, 40 ngàn, 50 ngàn”. Vừa rổn rảng mời, anh vừa thoăn thoắt đong ốc, nêm nếm gia vị cho hết lượt khách này đến lượt khách khác. Ốc sau khi trụng qua một lớp nước sôi được rưới chút mắm gừng, chút hạt nêm, chút sả, ớt bột… rồi trộn đều. Đứng đợi tới lượt mà mùi thơm cứ xộc vào mũi…

Cái ngon của ốc lể không nằm ở vị mà chất chứa trong niềm sum vầy, trong câu chuyện cà kê... Ăn ốc lể phải là đông người mới xôm, mới ngon ngọt. Âu, đó cũng là một nét văn hóa ẩm thực bình dị mà nhiều niềm thương…

Nhưng bao giờ cũng vậy, ốc mua về, mẹ đều xào lại, thêm chút gia vị để phù hợp khẩu vị đậm đà của chúng tôi. Xế chiều, bạn bè vừa từ ga về đến nhà, chúng tôi ngay lập tức khoản đãi món ăn “nức tiếng” xưa chừ. Chúng tôi phải vừa dụ dỗ vừa hờn dỗi thì khách mới chịu e dè cầm gai bưởi lên thử, chắc là cho vui lòng chủ nhà.

Rứa mà, chẳng mấy chốc, mấy gương mặt còn đang hoang mang khi trước đã nhanh chóng đua kịp nhịp lể của ba mẹ con tôi. Ban đầu còn rôm rả hỏi tên, hỏi cách ăn đầy từ tốn, lúc sau đã mạnh ai nấy khưi thoăn thoắt. Thi thoảng, chúng tôi lại thi nhau xem ai xâu được ruột ốc nhiều và nhanh nhất rồi cười giỡn khanh khách cả hiên nhà. Hàng xóm cách đó một căn cũng đang tụ tập lể ốc, góp thêm đôi lần hò reo khiến dãy phố hôm ấy rộn ràng và thơm nức.

Năm lon ốc sạch nhoáng, hỏi tụi bạn cảm nhận, đứa khen bùi bùi, béo béo, đứa bảo vị lạ miệng, đứa lại đòi ăn tiếp… Tự dưng, má cười mà mắt ươn ướt: “Mọi năm, ba mẹ con ăn hai lon không đã. Mấy đứa đi học hết, có hôm mua về một lon, má khều khều vài con rồi lười. Ăn một mình chẳng cảm giác ngon lành chi hết. Lâu rồi mới được lại lể ốc, lại vui như ri…”. Đúng như má nói, với tôi, cái ngon của ốc lể không nằm ở vị mà chất chứa trong niềm sum vầy, trong câu chuyện cà kê... Ăn ốc lể phải là đông người mới xôm, mới ngon ngọt. Âu, đó cũng là một nét văn hóa ẩm thực bình dị mà nhiều niềm thương…

Mùi thơm của ốc cùng các loại gia vị trộn lẫn khiến chúng ta khó từ chối. Ảnh: ST

Mùi thơm của ốc cùng các loại gia vị trộn lẫn khiến chúng ta khó từ chối. Ảnh: ST

Chừng như chưa đã ghiền, hôm sau, nhóm bạn cù rủ chúng tôi ghé chợ Cồn, phần vì muốn khám phá không khí, phần vì muốn mua ít đặc sản, phần lại vì… “nghe nói chợ Cồn nhiều quầy ốc lể lắm”. Tôi và em gái cười phá lên, chọc: “Đó, còn chê ốc nhỏ xíu có chi mà ghiền nữa không?”. Vui đủ nhịp chợ, bốn khách phương xa sà vào quầy ốc trước cổng, vừa mua vừa hỏi thăm đủ chuyện.

Bà Loan - người bán ốc lể trên đường Ông Ích Khiêm - nhiệt tình chia sẻ: “Ốc ni sống dưới cát nên công đoạn làm sạch cũng kỳ công lắm. Trước tiên, phải ngâm ốc với nước vo gạo khoảng vài tiếng để ốc nhả hết cát rồi rửa đi rửa lại nhiều lần”. Những người bán như bà Loan thường sẽ mua theo xô từ người cào, sau đó về làm sạch rồi phân loại theo kích cỡ. Ốc càng to thì giá càng cao.

Đầm nước, đội nắng

Rời chợ, chẳng biết đứa nào quay qua hỏi: “Vậy người ta khai thác ốc ra sao?”. Tôi chỉ biết đại khái người ta cào ốc ở biển nhưng chưa bao giờ chứng kiến. Rứa là, lại hẹn hò ra biển ngó nghiêng cảnh cào ốc. Bữa chúng tôi đi, trời bất giác se lạnh, sương mù phủ kín. 5 giờ sáng, chúng tôi chạy tà tà dọc bờ biển, dáo dác tìm mà chẳng thấy gì. Hỏi thăm nhóm ngư dân đang đẩy thuyền thúng ra khơi thì được cho biết, bình thường, mọi người vẫn hay cào tại khu vực đó nhưng mấy hôm nay ốc ít, người trở lại công việc chính, người rời đi nơi khác. Dẫu thất vọng, chúng tôi vẫn cố rảo quanh với mong mỏi được tìm hiểu thêm về câu chuyện phía sau loài ốc bé tí.

Vào mùa, ốc lể được bày bán khắp các tuyến đường, từ ốc Đà Nẵng cho đến ốc Hội An. Ảnh: M.N

Vào mùa, ốc lể được bày bán khắp các tuyến đường, từ ốc Đà Nẵng cho đến ốc Hội An. Ảnh: M.N

Trời không phụ người có lòng, cuối cùng, chúng tôi cũng nhìn thấy hai người đang dầm mình giữa dòng nước lạnh. Cả nhóm ngồi ở bãi cát, lặn ngắm những người đang đi ngược hướng sóng để tìm lộc biển. Chứng kiến cảnh cào ốc mới thấm thía sự nhọc nhằn của người khai thác. Không chỉ dầm mình trong nước lạnh nhiều tiếng đồng hồ, người cào ốc còn phải thấm sương đêm, đội nắng gắt và oằn mình với cây sào nặng chừng 10 ký. Cây sào - dụng cụ cào ốc - được thiết kế khá đơn giản, gồm cây sào bằng tre hoặc gỗ gắn với lưỡi cào bằng sắt phủ lưới dài để giữ ốc lại. Khi khai thác, người cào rà sào sát dưới đáy để cho ốc vướng vào, khi thấy sào nặng tay thì vớt lên, rũ lưới cho cát ra ngoài.

Nhiều ngư dân chia sẻ, đánh bắt gần bờ nhưng nghề cào ốc cũng nhiều rủi ro như gặp vùng nước xoáy hoặc sóng lớn ập vào bất ngờ. Cũng bởi vậy, bám biển phải là những người có sức khỏe dẻo dai.

Chúng tôi ngồi tầm nửa tiếng thì anh Hồ Quốc Vy (SN 1983, ngụ quận Sơn Trà) rời biển lên bờ. Thấy ốc trong lưới của anh, một người khách đang tập thể dục gần đó hỏi chuyện: “Hôm ni ngó chừng ốc ít hì, rứa mà cũng làm hả? Siêng ghê”. Anh Vy cười giòn: “Ít ít cũng được trăm mấy, hai trăm mấy. Được đồng nào tốt đồng đó, lo cho mấy đứa nhỏ chớ”.

Anh Vy cho biết, cào ốc chỉ là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập. Cái nghề “đi thụt lùi” này phụ thuộc vào thời tiết, sóng biển êm thì có hôm cũng được hơn triệu đồng. Năm nay ốc ít và hiếm nhưng bù lại giá thành cũng cao hơn. Bữa nào nhiều, những người cào không đựng ốc trong xô mà chứa bằng bao gai mới đủ. Cào được bao nhiêu là bán sạch bấy nhiêu, nhiều khi không đủ để bán.

Nhưng để có được thu nhập ấy, những người cào ốc thường bắt đầu công việc của mình từ tờ mờ sáng, có khi 1,2 giờ, có khi 4,5 giờ, tùy vào thủy triều xuống và kết thúc công việc khi thủy triều lên. “Năm nào cũng rứa, cứ ra Tết là tôi với chú ra biển cào ốc. Ốc nhỏ nên mất nhiều thời gian cào, phải dầm mình nhiều giờ liên tục nên phải rất kiên nhẫn. Loại ốc này thường ở cách bờ khoảng chừng 50 đến 100m, mà muốn có ốc to thì phải đi xa bờ. Người càng nhiều kinh nghiệm thì càng khai thác tốt, từ việc nắm bắt dòng nước, đến chọn đất. Đất mềm thì ốc sẽ cạn hơn đất cứng. Cây sào nhìn rứa chớ nặng lắm, đi ngược sóng nữa nên ê cả tay chớ chẳng đùa…”, anh Vy vừa đãi ốc vừa tâm sự.

Có đi mới biết, để có được từng lon ốc con con là biết bao mồ hôi hòa lẫn trong biển. Hành trang xuôi về phương Nam của bạn bè tôi đã nhiều hơn một niềm thương về người miền Trung. Và rồi từ đây, biết chắc rằng, trong những câu chuyện rôm rả bữa lể ốc, chúng tôi sẽ luôn dành phần cho sóng, cho biển, cho vị mặn của người cào…

Ốc lể (còn được gọi là ốc ruốc, ốc gạo) như món quà quý thiên nhiên ban tặng cho vùng biển miền Trung, thường xuất hiện vào khoảng tháng Giêng và kết thúc vào tháng tư âm lịch hằng năm. Vào mùa, ốc tụ lại dày đặc sát bờ biển. Vỏ ốc nhiều sắc màu rực rỡ nên thường được gia công thành đồ trang trí: màn cửa, vòng đeo tay…

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.