Thanh-thiếu niên gây án mạng sau khi sử dụng rượu bia: Thực trạng đáng báo động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vì thiếu kiềm chế sau khi sử dụng rượu bia mà nhiều thanh-thiếu niên gây ra các vụ án mạng hết sức đau lòng. Các vụ án này là hồi chuông cảnh báo gia đình và toàn xã hội cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Cho đến nay, người dân tổ 13 (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn chưa hết nhói lòng khi nhớ lại vụ án mạng xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 10-4-2022. Theo lời kể của người dân, chiều hôm đó, sau khi đi nhậu về, Đinh Văn Tâm (SN 1997, trú tại tổ 13, phường Hoa Lư) thấy cha mình là ông Đinh Văn Thực (SN 1970) đang ngồi mở ti vi lớn tiếng gây ồn ào nên liền đến nói chuyện. Sau đó, cha con xảy ra cãi vã. Tức giận, Tâm đánh vào người ông Thực. Hậu quả, ông Thực chết do chấn thương sọ não. Ngày 15-12-2022, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên phạt Tâm 18 năm tù về tội “Giết người”.

Bị cáo Đinh Văn Tâm tại phiên tòa. Ảnh: R'Ô HOK

Bị cáo Đinh Văn Tâm tại phiên tòa. Ảnh: R'Ô HOK

Cũng xuất phát từ việc không kiềm chế được bản thân sau khi uống rượu mà Siu Quyết (SN 2005, trú tại buôn Ơi HLy, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) đã gây án mạng. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, khoảng 7 giờ ngày 22-8-2022, Quyết và Ksor Mai, Nay Tương, Ksor Lanh (trú cùng buôn) ngồi uống rượu tại nhà Mai. Sau khi uống hết rượu, cả nhóm sang nhà Siu Lam ở cùng buôn để tiếp tục nhậu.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Ksor Thêm (trú cùng buôn) gọi điện cho Quyết để nói nhờ Tương ngày mai đi làm rẫy cho mình. Sau khi trao đổi công việc, Tương điều khiển xe máy đến nhà Thêm để lấy trước tiền công. Tại đây, Tương gặp Ksor Bu (SN 1997, trú cùng buôn). Do cả Tương và Bu đều say rượu nên đã xảy ra mâu thuẫn cãi nhau nhưng được mọi người can ngăn nên làm hòa.

Tuy nhiên, Thêm tiếp tục điện thoại gọi Quyết tới nhà và nói đùa rằng Bu và Tương đang cãi nhau. Tin tưởng lời nói của Thêm, Quyết điều khiển xe máy chạy qua. Khi thấy Bu đang ngồi trên võng và nghĩ Bu đánh Tương, Quyết lấy một đoạn cây gỗ chạy đến đánh một cái trúng đầu. Hậu quả, Bu bị tổn hại 61% sức khỏe. Ngày 29-3-2023, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh đã tuyên phạt Quyết 6 năm tù về tội “Giết người”.

Theo thống kê của Văn phòng TAND tỉnh, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã thụ lý 124 vụ/278 bị cáo về tội giết người. Trong đó, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử 115 vụ/224 bị cáo. Riêng Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND tỉnh) đã thụ lý 28 vụ/76 bị cáo về tội giết người; đưa ra xét xử 27 vụ/71 bị cáo.

Công an huyện Đak Đoa tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh. Ảnh: R.H

Công an huyện Đak Đoa tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh. Ảnh: R.H

Ông Nguyễn Tiến Sỹ-Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên-nhận định: Nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người ở lứa tuổi thanh-thiếu niên chủ yếu xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ nhặt, bột phát như có lời nói, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, một số đối tượng sau khi sử dụng rượu bia do không làm chủ được hành vi của mình khi phát sinh mâu thuẫn dẫn đến phạm tội.

“Thanh-thiếu niên thường có tâm lý bồng bột, suy nghĩ đơn giản. Trong khi đó, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, khi thực hiện hành vi cũng không suy nghĩ trước hậu quả xảy ra”-ông Sỹ cho hay.

Cũng theo Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền nếp sống văn hóa, lành mạnh và tạo sân chơi bổ ích cho thanh-thiếu niên. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ hòa giải để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong cộng đồng.

Về phía cơ quan tiến hành tố tụng cần tăng cường tổ chức phiên tòa giả định tại các trường học, khu dân cư; tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đảm bảo an ninh trật tự, phòng-chống tội phạm ở cơ sở. Mặt khác, gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp trong việc quản lý, giáo dục, định hướng cho con em mình nhận thức đúng đắn và có hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức cũng như quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Trương Huệ Vân cháu Trương Mỹ Lan điều hành hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát thế nào?

Trương Huệ Vân cháu Trương Mỹ Lan điều hành hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát thế nào?

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho cháu ruột là Trương Huệ Vân quản lý, điều hành nhiều công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này. Trương Huệ Vân đã giúp sức tích cực, tiếp tay cho Trương Mỹ Lan rút ruột của Ngân hàng SCB hơn 1.088 tỉ đồng.
Vì sao cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự?

Vì sao cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự?

Trong quá trình điều tra vụ án Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định ông Nguyễn Trường Sơn (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) có dấu hiệu tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'; tuy nhiên, C03 cho rằng, ông Sơn không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á.
Gian nan nghề tầm nã

Gian nan nghề tầm nã

(GLO)- Sau khi tòa tuyên án, nhiều bị cáo lợi dụng việc được cơ quan chức năng cho tại ngoại trước đó đã bỏ trốn khỏi địa phương, tìm đủ mọi cách ẩn mình, thậm chí thay tên đổi họ nhằm tạo vỏ bọc mới. Để bắt giữ những đối tượng này, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh Gia Lai phải ngược xuôi ra Bắc vào Nam, lần theo từng dấu vết tội phạm. Trên những dặm dài tầm nã ấy, không chỉ có sự hy sinh thầm lặng và tinh thần dũng cảm mà còn có cả những câu chuyện thấm đẫm tình người.