Vì sao nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm áp dụng 0,5-1,5%/năm. Quyết định giảm lãi suất điều hành đã góp phần tích cực vào mục tiêu bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, cả huy động lẫn cho vay đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng hiện nay được ghi nhận vẫn ở mức thấp và tăng chậm.

Theo thông tin từ NHNN-Chi nhánh tỉnh, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được ghi nhận giảm 0,4-0,5% ở các kỳ hạn so với thời điểm tháng 1-2023. Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến ở mức 9,5-11%/năm, giảm 1% so với đầu năm 2023; cho vay trung hạn, dài hạn phổ biến 10-14%/năm; cho vay ngắn hạn tối đa đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là 4,5%/năm. Đối với cho vay ngắn hạn bằng USD, mức lãi suất phổ biến là 4%/năm; cho vay trung hạn, dài hạn là 6,5%/năm.

Dưới sự điều hành tích cực của NHNN, về cơ bản mặt bằng lãi suất được giữ ổn định. Lãi suất cho vay phát sinh mới đang có xu hướng giảm dần so với thời điểm đầu năm. Dự ước đến hết quý II-2023, tổng dư nợ toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt khoảng 105.100 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2% so với cuối năm 2022. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, room tín dụng thoải mái song khả năng hấp thu vốn lẫn nhu cầu tín dụng trên thị trường vẫn ghi nhận đang ở mức thấp và tăng trưởng chậm so với kỳ vọng.

Nhận diện những yếu tố tác động đang tác động đến khả năng hấp thu vốn của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Qua thực tế khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, Hiệp hội nhận thấy bên cạnh số ít doanh nghiệp có tiềm lực, quy mô lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá thì đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, chế biến, thương mại đang gặp nhiều khó khăn vì không có đơn hàng xuất khẩu, số lượng tiêu thụ nội địa giảm, chi phí tăng bào mòn lợi nhuận. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoặc giảm quy mô hoạt động”.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

Khách hàng giao dịch tại BIDV Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

Trong bối cảnh đối mặt với nhiều yếu tố khó khăn của nền kinh tế, thay vì đẩy mạnh đầu tư vốn từ đòn bẩy tín dụng như trước thì nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp cân đối tài chính nhằm bảo toàn nguồn lực vượt sóng. Ông Nguyễn Trung Hải-Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng Hoàng Dung Gia Lai (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, cả chủ quan lẫn khách quan. Đơn cử như mặc dù giá vật liệu không biến động như năm ngoái nhưng vẫn đang ở mức cao, một số công trình không điều chỉnh dự toán, doanh nghiệp có khối lượng thực hiện nhưng bị chậm thanh toán nên dễ rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ. Năm nay, chúng tôi chỉ nhận một công trình, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng, mục tiêu là hoàn thành sớm trước kế hoạch”.

Mặc dù lãi suất cho vay giảm so với đầu năm nhưng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp lại không tăng. Lý giải về quyết định không vay thêm vốn đầu tư trong giai đoạn này, bà Nguyễn Thị Nương-Chủ hộ kinh doanh Nguyên Nương (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho hay: “Mấy năm trước, tôi thường vay vốn ngân hàng để nắm bắt cơ hội kinh doanh, bổ sung vốn lưu động. Năm nay, kinh doanh khó khăn hơn nên nhiều người thắt chặt chi tiêu, nhu cầu và sức mua giảm rất rõ trong những tháng qua. Do đó, tôi chủ động cân đối lại vốn tự có, tính toán lại lượng hàng hóa nhập vào-bán ra để phù hợp với sức mua hiện nay”.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát danh mục, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để mở rộng tín dụng. Ảnh: Sơn Ca

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát danh mục, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để mở rộng tín dụng. Ảnh: Sơn Ca

Còn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng hiện đang chiếm tới 47,4% tổng dư nợ toàn ngành Ngân hàng. Theo quan sát cho thấy, dư nợ lĩnh vực này có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm mặc dù giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực khá tốt. Hầu hết nông dân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn không mặn mà vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như trước. Ông Trần Quang Sơn (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Giá cả và đầu ra cho các mặt hàng nông sản luôn là vấn đề trọng tâm của sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, đầu ra cho một số mặt hàng nông sản vẫn gặp khó khăn, không có đơn hàng mới, chi phí nhân công tăng nên đa phần người dân giữ quy mô như hiện nay, không dám vay vốn để đầu tư mở rộng diện tích”.

Không thể phủ nhận rằng, mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm là yếu tố góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để kích cầu tăng trưởng tín dụng cần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa ngân hàng và khách hàng. Trong thời gian tới, NHNN-Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các mức lãi suất huy động, cho vay, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.