Đưa dòng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mục tiêu góp phần cùng cả nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã đề ra chỉ tiêu định hướng năm 2023 huy động vốn tăng khoảng 5.500 tỷ đồng, dư nợ tăng khoảng 5.200 tỷ đồng. Dòng vốn tín dụng tiếp tục được kiểm soát tăng trưởng hợp lý và ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Mặt bằng lãi suất giảm, huy động và dư nợ đều tăng

Trong những tháng đầu năm 2023, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường, khuyến khích các tổ chức tín dụng trong nước tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 3-2023, NHNN đã 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành. Trong đợt điều chỉnh lần thứ 2 (có hiệu lực từ ngày 3-4-2023), NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ.

Tại Gia Lai, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất 0,5-1% so với trước đây. Về lãi suất huy động VNĐ tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng áp dụng 0,1-1%/năm (phổ biến ở mức 0,5%/năm đối với tổ chức, cá nhân); kỳ hạn 1-6 tháng áp dụng 4,5-6%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng áp dụng 5,5-8,9%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng áp dụng 6,8-9,4%/năm. Về lãi suất cho vay bằng VNĐ, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 9-12%/năm; cho vay trung, dài hạn phổ biến 9,8-14%/năm; cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm. Về lãi suất cho vay bằng USD, mặt bằng cho vay ngắn hạn phổ biến 4%/năm; cho vay trung, dài hạn là 6,5%/năm.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Ảnh: Hải Bình

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Ảnh: Hải Bình

Theo ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai, có 2 yếu tố quan trọng tác động đến việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất là chính sách điều hành của Chính phủ, NHNN và theo diễn biến quy luật thị trường. “Những tín hiệu từ thị trường cho thấy khả năng thanh khoản tốt, các ngân hàng cần phải giảm lãi suất về mức phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự báo thời gian tới, mặt bằng lãi suất khả năng sẽ tiếp tục giảm, cả huy động và cho vay”-ông Nguyễn Dự cho biết.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt là cú hích đối với nền kinh tế trong quý I-2023, tạo hiệu ứng tích cực đến người dân, DN trong quá trình phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Đỗ Thị Việt Hằng-Giám đốc Vietcombank Gia Lai-cho hay: “Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Vietcombank, kể từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 30-4-2023, Vietcombank Gia Lai đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại Chi nhánh. Việc giảm lãi suất trực tiếp được hệ thống tự động áp dụng, khách hàng không cần thực hiện thủ tục, đơn đề nghị nào. Trong năm nay, chúng tôi đã xác định tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng, đồng thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN”.

Tính đến hết quý I-2023, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt 56.200 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm (số tăng tuyệt đối 1.039 tỷ đồng). Tổng dư nợ tín dụng đạt 104.335 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm (số tăng tuyệt đối 1.320 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,57%/ tổng dư nợ, giảm 0,01% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh-đánh giá: “Nếu như quý I-2021 và 2022, dư nợ tín dụng sụt giảm còn huy động vốn tăng thì đến quý I-2023, huy động vốn tăng trưởng khá còn dư nợ tín dụng bất ngờ đảo chiều quy luật tăng nhẹ. Với quy mô tín dụng và tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho thấy, nguồn vốn ngân hàng vẫn đang giữ vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. Đồng thời, phản ánh khá rõ nét về nhu cầu, điều kiện, khả năng hấp thu vốn thực tế trên địa bàn. Kết quả nguồn vốn huy động đã thể hiện rõ, tiềm lực và nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vẫn đang dồi dào chảy vào kênh huy động của ngân hàng”.

Tăng trưởng tín dụng góp phần phục hồi kinh tế

Ngay từ đầu năm 2023, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-DN nhằm đối thoại, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Hải Bình

Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Hải Bình

Bên cạnh đó, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã đề ra chỉ tiêu định hướng, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 10% so với cuối năm 2022 (số tăng tuyệt đối khoảng 5.500 tỷ đồng), dư nợ tín dụng tăng 5% so với cuối năm 2022 (số tăng tuyệt đối khoảng 5.200 tỷ đồng), phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ.

Nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, NHNN-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và các chương trình tín dụng chính sách.

Đề cập đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương quyết liệt thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định”. Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 40 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 35 tỷ đồng/9 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ lũy kế 332 triệu đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN-Chi nhánh tỉnh, chính sách giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của quý II-2023. Có thể điểm qua như BIDV Gia Lai triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng DN. Đối với khách hàng cá nhân có gói tín dụng ngắn hạn quy mô 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 8,5%/năm trở lên. Đối với khách hàng DN có gói tín dụng ngắn hạn quy mô 120.000 tỷ đồng, lãi suất giảm trừ 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Hoặc gói tín dụng trung, dài hạn quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm trừ tối đa 2%/năm đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong năm đầu tiên.

Tương tự, Agribank Gia Lai và Đông Gia Lai đồng loạt triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng DN với quy mô 100.000 tỷ đồng, dành cho các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với mức hiện hành tới 1,5%/năm đối với khoản vay VNĐ và 1%/năm đối với khoản vay USD, tùy theo kỳ hạn vay và đối tượng vay.

Trao đổi về kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết thêm: “Trong bối cảnh thanh khoản tốt, nguồn vốn đang rất dồi dào thì chính các ngân hàng cũng đang tích cực tìm kiếm khách hàng tốt, dự án khả thi để cho vay. Đối với Chi nhánh, trong quý II, chúng tôi bắt đầu giải ngân gói tài trợ tín dụng Dự án mở rộng Thủy điện Ia Ly, việc giải ngân căn cứ theo tiến độ thực hiện của dự án. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do chưa đến thời vụ nên dư nợ tín dụng lĩnh vực này sẽ tiếp tục giảm theo quy luật sản xuất”.

Còn đối với kênh tín dụng chính sách, nguồn vốn dồi dào được phân bổ để thực hiện các chương trình theo kế hoạch hàng năm và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP được đánh giá sẽ góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-thông tin: “Trung ương đã giao kế hoạch tín dụng cho Chi nhánh với số vốn gần 466 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các phòng giao dịch rà soát các đối tượng vay vốn và tập trung giải ngân hết nguồn vốn các chương trình theo kế hoạch tín dụng. Năm 2023 là năm cuối thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, Chi nhánh sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, xin bố trí thêm nguồn vốn để cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Được biết, trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 291,74 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.