Trang bị cho học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT). Để phòng ngừa nguy cơ TNGT, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh.

Khoảng 9 giờ 45 phút ngày 28-3-2023, em H.Đ.N. (SN 2007, học sinh lớp 10, trú tại thị trấn Đak Đoa) điều khiển xe máy BKS 81AA-058.66 lưu thông theo hướng từ quốc lộ 19 đến xã Hneng (huyện Đak Đoa). Khi đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo-Trần Phú (thuộc thôn 3, thị trấn Đak Đoa), xe máy của em N. va chạm với xe máy BKS 81AA-184.88 do em L.N.H. (SN 2007, cũng là học sinh lớp 10, trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) điều khiển lưu thông cùng chiều phía trước đang chuyển hướng rẽ trái vào đường Trần Phú. Hậu quả, em N. bị thương nặng. Dù được đưa đến cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng đến 12 giờ cùng ngày, em N. đã tử vong.

Qua điều tra, lực lượng Công an xác định, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do em H. điều khiển phương tiện chuyển hướng nhưng không giảm tốc độ, không ra tín hiệu xin rẽ và không quan sát trước khi chuyển hướng. Còn em N. điều khiển phương tiện không giảm tốc độ khi đến đoạn đường giao nhau và không nhường đường theo quy định; không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông…

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Đak Pơ tổ chức ngoại khóa phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: H.V

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Đak Pơ tổ chức ngoại khóa phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: H.V

Qua vụ TNGT này cho thấy, tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đặc biệt là việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và thiếu kiến thức, kỹ năng là nguy cơ tiềm ẩn TNGT.

Để hạn chế tình trạng vi phạm TTATGT, cuối tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký kết Chương trình phối hợp số 1152/CtrPH-CAT-SGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025. Theo đó, lực lượng Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền cho các trường trung học nghề, cao đẳng, đại học và tương đương; Công an cấp huyện tuyên truyền cho các trường THCS, THPT; Công an cấp xã tuyên truyền cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn phụ trách, đảm bảo trong mỗi học kỳ phải phối hợp tổ chức ít nhất 1 buổi tuyên truyền tại 1 cơ sở giáo dục. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo các trường học tăng thời lượng thực hành và trải nghiệm thực tế về an toàn giao thông, đảm bảo thời lượng tối thiểu 3-5 tiết/học kỳ.

Thực hiện chương trình này, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh, Công ty Honda Head Duy Tuấn Phát, Công an và ban giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện Đak Pơ, Mang Yang, Krông Pa, Chư Păh để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh.

Qua hơn 20 ngày triển khai chương trình phối hợp, đơn vị đã tổ chức được 5 buổi tuyên truyền tại 5 trường tiểu học, THCS và THPT với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh. Công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ được thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú như: giới thiệu bằng hình ảnh các tình huống giao thông thường gặp trên đường; phát tờ rơi, trưng bày pa nô về các vụ TNGT; hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng quy cách; trải nghiệm thực tế bằng mô hình lái xe máy điện trên đường…

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: Hạ Vy

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: Hạ Vy

Ông Phạm Quang Long-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Păh-đánh giá: Đối với lứa tuổi học sinh, việc đầu tiên và quan trọng nhất là hình thành cho các em ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Qua các buổi tuyên truyền, các em đã bắt đầu hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông và được trang bị các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thoát hiểm, góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường học tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong học đường.

Đến nay, Công an các địa phương đã phối hợp tổ chức được gần 30 buổi tuyên truyền với sự tham gia của hàng ngàn học sinh, giáo viên. Trung tá Vũ Trọng Thụ-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Pơ) thông tin: Từ khi ký kết chương trình phối hợp, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền tại 6 trường học trên địa bàn. Tùy thuộc vào từng nhóm tuổi học sinh, đơn vị có nội dung tuyên truyền phù hợp để giúp các em dễ tiếp cận.

Cụ thể, đối với học sinh bậc tiểu học, nội dung tuyên truyền tập trung về sự cần thiết đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện; trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường với học sinh trong tham gia giao thông. Đối với học sinh bậc THCS và THPT, nội dung tuyên truyền tập trung vào việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không được điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi theo quy định; tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không chạy xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng; cách xử lý tình huống khi có TNGT xảy ra…

Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng Công an thì nhà trường, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình, kiên quyết không giao xe cho các em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Có thể bạn quan tâm