Lâm Đồng: 12 người bị phạt gần 1 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
12 người trong nhóm chiếm đất rừng sản xuất có trình độ lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật nên đây là tình tiết giảm nhẹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm 12 người gồm: ông Cil Ha Ba (65 tuổi), Rơ Ông Ha Hoang (32 tuổi), Liêng Hót Ha Kinh (23 tuổi), Ha Huy (39 tuổi), Kră Jăn Ha Bơn (28 tuổi), Lơ Mung Ha Hung (36 tuổi), Ha Brong (38 tuổi), Lơ Mu Ha Biên (44 tuổi), Rơ Ông Ha Blis (23 tuổi), Lơ Mu Ha Cúp (56 tuổi), Liêng Hót Ha Kim (34 tuổi, cùng ngụ xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương) và Liêng Hót Ja Kơ (26 tuổi, ngụ xã Rô Men, huyện Đam Rông).

Lực lượng chức năng huyện Lâm Hà phát hiện một vụ phá rừng để lấn chiếm đất vào năm 2022. Ảnh: Đình Thi

Lực lượng chức năng huyện Lâm Hà phát hiện một vụ phá rừng để lấn chiếm đất vào năm 2022. Ảnh: Đình Thi

Cơ quan chức năng xác định 12 người này đã cùng nhau chiếm diện tích 115.423 m2 đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại Tiểu khu 221, 229 xã Phú Hội, huyện Lâm Hà đang do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Mục đích chiếm đất của nhóm người này là trồng cây lâu năm.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, 12 người có trình độ lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật nên đây là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 9 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012.

Do vậy, UBND tỉnh quyết định phạt số tiền 82,5 triệu đồng/trường hợp vi phạm nên tổng số tiền phạt 12 người phải chấp hành là 990 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 9,3 triệu đồng/trường hợp, trả lại diện tích đất đã chiếm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 8-2-2023, đoàn kiểm tra xã Phú Sơn phát hiện 12 người nêu trên đang phát dọn trên diện tích 115.413 m2 đất rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Thời điểm nhóm người này chiếm đất rừng là từ tháng 5-2021.

Do vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nên UBND huyện Lâm Hà đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, 12 trường hợp trên có khung phạt từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm