Triệt phá đường dây đưa người vượt biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong những ngày đầu tháng 2-2023, Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Gia Lai) đã bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên sang Campuchia, Thái Lan. Đồng thời, đưa 5 nhóm/19 người dân tộc thiểu số trú tại xã Ia Hla và Ia Le (huyện Chư Pưh) và Chư Rcăm (huyện Krông Pa) trở về địa phương.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh xác định đối tượng Siu H’Bẽo (SN 1999, trú tại xã Chư Don, huyện Chư Pưh) có anh trai là Siu Cheo vượt biên từ năm 2013, hiện đang trốn ở Thái Lan. H’Bẽo móc nối với Cheo và một số đối tượng khác sử dụng mạng xã hội kết nối, liên lạc với một số hộ người dân tộc thiểu số để lừa phỉnh vượt biên sẽ có cuộc sống sung sướng. Tin lời lừa phỉnh này, nhiều gia đình đã bán tài sản có giá trị lấy tiền đưa cho các đối tượng để được dẫn đường vượt biên.

Đối tượng Trần Đình Ngọc (bìa trái) khai nhận hành vi đưa người đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên. Ảnh: Nguyễn Hữu

Đối tượng Trần Đình Ngọc (bìa trái) khai nhận hành vi đưa người đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên. Ảnh: Nguyễn Hữu

Cụ thể, qua mạng xã hội Zalo, Facebook, đối tượng H’Bẽo tiếp cận với anh Siu Phương (làng Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện, được H’Bẽo “vẽ” viễn cảnh việc nhẹ, lương cao, nhanh chóng làm giàu ở nước ngoài, anh Phương quyết định đưa vợ và 2 con nhỏ cùng vượt biên. Theo thỏa thuận, chi phí cho mỗi người lớn vượt biên là 26 triệu đồng, trẻ em được giảm tùy theo độ tuổi. Anh Phương chia sẻ: “Để có tiền vượt biên, gia đình tôi đã bán 6 con bò được 41 triệu đồng, cho thuê đất rẫy được 30 triệu đồng cộng với tiền tiết kiệm 38 triệu đồng. Theo thỏa thuận, tôi nộp vào tài khoản của Siu H’Bẽo 78 triệu đồng để được dẫn đường vượt biên qua Thái Lan. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn tôi đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh rồi chúng đón, chở bằng xe ô tô xuống huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để vượt biên. Trên đường đi, chúng tôi bị cơ quan Công an phát hiện, tạm giữ rồi hỗ trợ quay về. Được cơ quan Công an giải thích, tôi biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Giờ đây, tôi mong dân làng tha thứ, pháp luật khoan hồng để gia đình sớm ổn định cuộc sống”.

Được biết, các đối tượng đã móc nối, phân việc để chở từng nhóm người vượt biên bằng xe ô tô và xe máy nhằm tránh bị phát hiện. Khi đến khu vực biên giới, chúng tiếp tục hướng dẫn những người vượt biên đi bộ bằng đường tiểu ngạch hoặc đi xuồng qua Campuchia.

Tương tự, vợ chồng chị Siu H'Piep (làng Kênh Mek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã bán xe công nông lấy 77 triệu đồng cùng với số tiền tiết kiệm được chuyển cho H’Bẽo 90 triệu đồng để các đối tượng dẫn đường vượt biên sang Thái Lan. Chị H’Piep cho biết: “Sau thời gian di chuyển quãng đường dài, khi đến khu vực biên giới thời tiết nắng nóng, tôi và các con rất mệt. Lúc này, chúng tôi hoang mang, lo lắng. Rất may, sau đó, chúng tôi được Công an phát hiện và hỗ trợ đưa về an toàn”.

Cũng tin lời Siu H'Bẽo, chị Siu H’Puh (làng Kênh Mek, xã Ia Le) đã bán 40 con dê được 50 triệu đồng và vay mượn rồi chuyển 80 triệu đồng cho các đối tượng để chúng dẫn đường vượt biên. “Tôi cùng 2 con gái tham gia vượt biên. Giờ đây, tài sản gia đình tôi đã bị chúng chiếm đoạt, cuộc sống khó khăn không biết phải xoay xở ra sao”-chị H’Puh than thở.

Để đấu tranh triệt phá đường dây đưa người vượt biên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện tích cực bám địa bàn, nắm tình hình. Trong đó, Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh đối nội giữ vai trò chủ công. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt, tạm giữ Trần Đình Ngọc (SN 1995, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), Mai Hữu Trung (SN 1999, trú tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Pháp (SN 1985), Võ Hoàn Vũ (SN 1979, cùng trú tại tỉnh Đồng Tháp) và Siu H’Bẽo để tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của từng đối tượng, củng cố hồ sơ khởi tố các đối tượng về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Cơ quan Công an cũng đã điều tra làm rõ các phương thức tổ chức đưa người dân tộc thiểu số vượt biên như: đi du lịch sang Thái Lan bằng đường hàng không, sau đó được các đối tượng ở Thái Lan hướng dẫn trốn ở lại; tổ chức vượt biên bằng đường bộ, các đối tượng hướng dẫn người dân đi xe khách từ Gia Lai xuống Bến xe Miền Tây (TP. Hồ Chí Minh), sau đó chúng sử dụng xe ô tô chở xuống huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), tiếp tục di chuyển bằng xe máy đến biên giới và đi bộ theo các đường tiểu ngạch hoặc vượt sông bằng xuồng đến Campuchia rồi qua Thái Lan.

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.