Dòng sáng Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có thể nói, cho tới thời điểm cuối năm 1994, Chư Sê là huyện đầu tiên của Gia Lai (trừ thị xã Pleiku) được dùng điện lưới quốc gia. Trước đó, vào một ngày chủ nhật, ghé thăm anh em chúng tôi, anh Nguyễn Đề Oanh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công an Gia Lai-cho biết, có một nguồn kinh phí vài tỷ đồng từ ngân sách dự kiến đầu tư đưa điện từ Pleiku về cơ sở, nhưng đã là quý IV rồi mà chưa “giải ngân” được. Nếu Chư Sê nhận làm việc này thì nhanh chóng có tờ trình gửi cho UBND tỉnh...
Biết được thông tin trên, Thường trực Huyện ủy Chư Sê nhanh chóng thống nhất chủ trương quyết tâm huy động mọi khả năng có thể để đưa điện về trước Tết Nguyên đán 1995. Chủ trương này được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua và UBND tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đầu tư đường dây trung thế 22 KV và thiết bị kèm theo tới trung tâm thị trấn, phần còn lại là kinh phí “đối ứng” của địa phương và phải hoàn thành thanh-quyết toán trong năm tài chính. Chủ trương này được sự đồng tình ủng hộ và phối hợp triển khai thực hiện của ngành Điện Gia Lai một cách tích cực. Bấy giờ, Chư Sê đã có một “nhà máy” phát điện diezen, nhưng mỗi đêm chỉ phát từ 18 giờ 30 phút đến 22 giờ và cũng chỉ chưa đầy 1.000 hộ dân và các cơ quan của huyện trên địa bàn thị trấn dùng nguồn điện này. Điều đáng nói là các máy phát điện lúc đó đã “lão hóa”, tiền đầu tư cho việc sửa chữa hàng tháng khá lớn, chưa nói đến kinh phí mua nhiên liệu luôn thiếu, nguồn điện vô cùng bấp bênh, luôn quá tải.
  Một góc  thị trấn  Chư Sê  về đêm.  Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Chư Sê về đêm. Ảnh: Đ.T
Biết được chủ trương đưa điện lưới quốc gia từ Pleiku về phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, trước mắt là địa bàn thị trấn huyện lỵ ngay trong cuối năm 1994, cán bộ, nhân dân trong huyện đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào cuộc có không biết bao nhiêu trở ngại. Về lĩnh vực chuyên môn, Công ty Điện 3 tại Đà Nẵng và ngành Điện Gia Lai chung tay giúp sức tháo gỡ tất cả những khó khăn, chạy đua với thời gian theo quy định của tỉnh, nhưng khi... sờ tới túi ngân sách của huyện thì nguồn tiền vô cùng hạn hẹp. Trong “cái khó ló cái khôn”, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương huy động nguồn lực trong dân để đầu tư phụ kiện cho lưới điện hạ thế. Chủ trương này vào thời điểm đó còn khá mới mẻ, tuy vậy khi triển khai lại được người dân thị trấn Chư Sê đồng tình ủng hộ. Chỉ trong một thời gian ngắn tuyên truyền, vận động, nguồn kinh phí thu về đã đạt khá so với dự toán lưới điện hạ thế, số kinh phí còn thiếu không nhiều, huyện quyết định dùng nguồn ngân sách địa phương bổ sung.
Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện chủ trương nói trên, đúng 18 giờ ngày 30-1-1995, tức ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Tuất, công trình đưa điện lưới quốc gia về Chư Sê chính thức đóng điện. Dòng sáng Chư Sê đã bừng lên khắp mọi nẻo đường thị trấn, gần 1.000 hộ dân và các cơ quan, đoàn thể khu vực thị trấn trong đêm 30 Tết không còn lo cảnh phập phù từ dòng điện phát ra của những chiếc máy phát điện diezen cũ kỹ từ “thời... Napoléon” nữa. Niềm vui của mọi người dân vỡ òa khi lần đầu tiên được dùng điện lưới quốc gia, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên, người về hưu, bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng ven thị trấn. Có một kỷ niệm rất xúc động, đó là khi chưa đến giờ chính thức đóng điện ở cầu dao tổng, rất nhiều người đã tụ tập chờ đợi, trong đó có những cán bộ về hưu như các bác Nguyễn Văn Hướng, bác Phùng, bác Quý... đã trải qua các cương vị lãnh đạo, quản lý, có trên 40 năm tuổi Đảng. Các ông không ngớt lời khen ngợi đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã hết mình vì dòng sáng cho dân huyện nhà. Công trình thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, được nghiệm thu, đóng điện đúng như dự kiến, trong đó có công sức rất lớn của các cán bộ, đảng viên về hưu. “Thế mạnh” của người về hưu, người có uy tín ở sát cơ sở, gần dân được phát huy tối đa; từ đó họ đã tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia đóng góp kinh phí xây dựng lưới điện hạ thế.
Ngày nay, mỗi lần trở lại Chư Sê, tôi không khỏi vui mừng, bồi hồi xúc động nhớ lại một thời gian khó nhiều bề, trong đó có chuyện đưa điện lưới quốc gia về phục vụ nhân dân bắt đầu từ đêm 30 Tết năm ấy. Bây giờ ở hầu hết các làng, thôn, khu, cụm dân cư trên địa bàn huyện, điện lưới quốc gia đã về đến hộ. Từ khi “dòng sáng Chư Sê” về huyện, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngành dịch vụ, văn hóa phát triển mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn và đô thị thay đổi không ngừng. Mấy năm lại đây, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã nhất trí chủ trương cho phép Chư Sê tiến hành quy hoạch, tăng tốc độ đầu tư hạ tầng sản xuất và xã hội khu vực thị trấn huyện lỵ để đủ đưa huyện Chư Sê trở thành thị xã trong tương lai gần.
Sự phát triển nhanh, bền vững của Chư Sê như ngày nay chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp lớn của ngành Điện-một trong 4 trụ cột “điện-đường-trường-trạm” mà người ta hay lấy nó làm thước đo cho sự phát triển của một địa phương nào đó.   
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.