Nhịp sống mới ở làng Kte Lớn A

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự nỗ lực trong lao động sản xuất của người dân, làng Kte Lớn A (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã được huyện chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ dân trong làng, Trưởng thôn Rơ Mah Pang cho biết, làng Kte Lớn A hiện có 200 hộ với 975 khẩu, trong đó, người Jrai chiếm gần 80%. Những năm trước đây, người dân trong làng chỉ biết trồng cây mì, cây lúa nên đời sống rất khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp về nhà ở, giống, phân bón, vốn, kỹ thuật và đặc biệt có 20 hộ tham gia cánh đồng lúa lớn của xã nên năng suất cây trồng được nâng lên rõ rệt, bà con đã biết chăn nuôi bò, dê để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, 90% đường nội làng được bê tông hóa, góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất. “Hiện nay, làng mình đã phát triển diện tích lúa nước 2 vụ lên trên 147 ha, lúa 1 vụ gần 13 ha, mì 400 ha cùng đàn dê 400 con, bò trên 500 con”-ông Pang khoe.
  Ngoài trồng lúa nước, người dân làng Kte Lớn A còn nuôi bò để nâng cao thu nhập.  Ảnh: N.H
Ngoài trồng lúa nước, người dân làng Kte Lớn A còn nuôi bò để nâng cao thu nhập. Ảnh: N.H
Cũng theo ông Pang, người dân làng Kte Lớn A hiện nay không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã biết nỗ lực vươn lên. Nhờ chăm chỉ lao động mà thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm (cao hơn thu nhập bình quân của xã 3 triệu đồng/năm). Trong làng không còn hộ đói; số hộ nghèo đã giảm xuống còn 33 hộ (chiếm 16,5%), số hộ khá, giàu tăng lên 25 hộ. Điển hình, có thể kể đến gia đình bà Rơ Mah HKup, ngoài 30 con bò hiện có, mỗi năm bà còn thu gần 100 triệu đồng từ 3 ha lúa nước 2 vụ; ông Kpă Bling ngoài đồng lương từ nghề giáo mỗi năm thu trên 100 triệu đồng từ 3 ha lúa nước. Hay như Trưởng thôn Rơ Mah Pang cũng đã phát triển đàn bò lên 8 con cùng 5 sào lúa nước. Ông Bling vui vẻ chia sẻ: “Nhờ xã hướng dẫn kỹ thuật canh tác, gia đình tôi đã biết cách trồng lúa nước cho năng suất cao hơn. Nhờ đó, tôi đã sắm được xe công nông, máy cày, máy tuốt lúa”.
Không chỉ tích cực lao động sản xuất, người dân làng Kte Lớn A còn đóng góp tiền để làm đường giao thông nông thôn, làm đường điện chiếu sáng, xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Họ cũng có ý thức trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn; tích cực vận động con em chuyên cần đến lớp. Kte Lớn A đang dẫn đầu về phong trào khuyến học, khuyến tài của xã khi có 5 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Ngoài ra, người dân còn luôn có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống như: đan gùi, dệt thổ cẩm, hát dân ca, tổ chức lễ cầu mưa; thành lập được 1 đội cồng chiêng và lưu giữ 10 bộ chiêng quý.
Với những nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, 13 năm liền, làng Kte Lớn A được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Ông Nguyễn Quyết Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho biết: Năm 2019, làng Kte Lớn A được chọn làm điểm xây dựng “Làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Hiện nay, làng còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm nhà ở, hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài việc tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được, xã đã phân công nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn phối hợp giúp đỡ làng thực hiện tốt các tiêu chí còn lại. Trong đó, chú trọng vận động người dân tiếp tục gìn giữ vệ sinh môi trường, di dời chuồng trại ra sau vườn, xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Xã cũng sẽ hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Mặt khác, xã sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia cánh đồng lúa lớn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn và cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.