"Xu Man, những gì còn lại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa trở lại làng họa sĩ Xu Man, rồi lại được biết ở Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tới đây sẽ có một triển lãm về ông với tên gọi: “Xu Man, những gì còn lại”. Không được hiểu, biết và thân quen ông bằng một số đồng nghiệp khác, nhưng cũng được sống chung với ông một thời gian mấy năm ở khu tập thể Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, rồi khi ông về hưu thì là cầu nối giữa Pleiku với Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) nên tôi mạn phép ghi lại vài câu chuyện về họa sĩ tài hoa này.
Khi lên Pleiku nhận công tác, tôi được bố trí ở một gian tập thể cạnh ông Xu Man. Tôi được giới thiệu, đấy là họa sĩ, người Bahnar đấy, nổi tiếng lắm. Chả biết nổi tiếng đến đâu, nhưng chiều Pleiku đầu tiên của tôi, tháng 11, cao điểm mùa lạnh, ông đốt một đống lửa giữa phòng, rồi gọi tôi sang... uống rượu. Mồi là mấy con tắc kè nướng, có chuột nữa, chấm muối ớt. Rượu là rượu mía. Gã sinh viên mới ra trường là tôi rụt cổ lại uống rượu và... nhắm mồi.
  Họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Hôm sau thì ông lại... mất hút. Thì ra ông Trịnh Kim Sung-Trưởng ty hồi ấy, có một quyết định rất nhân văn là, ông cứ tự do về làng, ở bao nhiêu thì ở, bao giờ có việc thì sẽ liên lạc. “Việc” của ông thường là vài tháng đạp xe lên cơ quan một lần nhận lương và các loại hàng phân phối theo tem phiếu. Mỗi lần tổ chức trại sáng tác mỹ thuật thì họa sĩ Nguyễn Viết Huy và anh em phòng văn nghệ sẽ tự chuẩn bị xong hết rồi xuống Plei Bông rước ông lên... chủ trì trại.
Khi ấy, ông Trịnh Kim Sung, một người rất am hiểu và yêu mến văn hóa Tây Nguyên, người rất cởi mở với văn nghệ, đã thành lập một phòng xuất bản tạp chí riêng để... chứa mấy anh em viết lách về đấy, vừa làm tờ Tạp chí Văn nghệ Gia Lai 3 tháng/số, vừa xuất bản sách cho Ty và tập hợp anh em sáng tác. Và đây chính là tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai (thành lập năm 1988). Thành lập xong thì toàn bộ phòng văn nghệ xuất bản được Tỉnh ủy điều sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Vấn đề là trước đấy, với tư cách phụ trách phòng tạp chí xuất bản, tôi cùng ông Sung phải chuẩn bị nhân sự cho Hội. Có 3 ông hội viên chuyên ngành Trung ương (ngày ấy lực lượng này rất hiếm chứ không dồi dào như giờ) là Xu Man (họa sĩ), Nay Nô (nhà văn) và Y Brơm (múa), tất nhiên là tài sản quý hiếm phải ưu tiên vào danh sách Ban Chấp hành. Ông Xu Man lúc này đã về hưu, về ở làng Bông, được vời lên để... họp. Ông rất vui vì còn được nhớ để mời vào Ban Chấp hành (Tỉnh ủy ra quyết định Ban Chấp hành lâm thời trên cơ sở chuẩn bị của ban vận động thành lập Hội), nhưng băn khoăn khi có ý kiến đề xuất ông làm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh dù trước đấy ông đã 2 khóa liên tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ thuật tạo hình (giờ là Hội Mỹ thuật) Việt Nam. Chủ tịch Hội là ông Sung, đương nhiên rồi. Có 3 người được giới thiệu để bầu lấy 2 làm Phó Chủ tịch. Xu Man bảo giờ ông chỉ ở làng thôi, lên đây thì ở đâu và làm Phó Chủ tịch không chuyên trách thì... không có lương. Nhưng thôi, thì cứ bầu. Và ông trở thành Phó Chủ tịch khóa ấy, chức “quan” to nhất của ông từ ngày hoạt động cách mạng. Và ông làm mà... chả phải làm gì, vì ông vẫn ở làng.
Tôi với tư cách Chánh Văn phòng, thường trực Hội, sau đấy thường tổ chức các cuộc họp tại... nhà ông. Họp Ban Chấp hành thì 2 lần/năm, có lần ông lên có lần không. Nhưng các cuộc tôi tổ chức xuống làng ông thì vui nổ trời. Nói tới tư cách Chánh Văn phòng là nói cho vui, chứ chúng tôi toàn tự tổ chức. Khi thèm rượu, khi có khách nơi khác đến thì chúng tôi lại dắt xuống, nhất là các trại sáng tác mỹ thuật sau này toàn mang xuống làng ông tổ chức.
Mà phương tiện đi lại, ban đầu là xe... đạp. Thời gian sau là xe máy, chứ ô tô chỉ năm thì mười họa. Mỗi lần xuống làng ông là một dịp làng như... hội. Chúng tôi mua thức ăn từ Pleiku, rượu ghè nhà ông hoặc dân làng mang đến. Đầu bếp là... tôi, có sự phụ giúp của vài người. Thêm một số kỷ niệm đáng nhớ: Ông là người đầu tiên chỉ cho tôi biết cây kơ nia là như thế nào và đập hạt kơ nia cho tôi ăn khi 2 chú cháu đạp xe từ Pleiku về làng ông một sáng hè. Ông cũng là người giải thích cho tôi biết tại sao đi trong rừng, cứ khi nào đói hoặc mệt lại có một cây kơ nia hiện ra, như của trời ban cho con người.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.