Thanh thanh mùi chay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bố từ quê vào chơi, trong túi quà của bố có hai quả chay nho nhỏ. Bố nói, biết con gái thích nhưng chợ Vinh giờ bán ít quả này lắm, lâu lắm mới thấy có hàng bán. Hai quả chay ấy cũng theo bố vượt cả ngàn cây số từ quê vào với đứa con gái “lắm chuyện” tối nay thanh thanh ngọt mát cả căn phòng.  

 
 


15 năm rồi không gặp hương vị ấy, khi chạm gặp thì tưởng như vẫn quấn quýt đâu đó, như không có khoảng cách 15 năm.

Chưa đủ, trong những gói quà bố mang theo còn có nhúm chay khô để con dùng nấu canh, kho cá. Bố nói, của chú Minh gửi cho. Chú Minh nhà chung con phố nhỏ, cách nhà mình 3 căn, chạy xe xuôi ngược lúc trong lúc ngoài tỉnh. Những lần vội về vội đi nên con chẳng nhớ nổi gương mặt người hàng xóm ít khi gặp.

Nhưng chú Minh vẫn nhớ con bé còi còi, nhỏ nhỏ. Nghe bố nói cả chợ Vinh mua được đúng hai quả chay, chú nhiệt tình trút hết số chay khô ít ỏi nhà chú có để bố đưa vào cho con kho cá, nấu canh. Và bố cũng cầm vào, đơn giản thế. Mà con gái thấy vui vui, thấy rưng rưng.

Quả chay gợi nhớ về quê nội trong một đêm mưa gầm gió lạnh. Mùi đất đồi Ngọc Sơn ẩm, mùi quả chay chín rụng thao thức trước hiên nhà. Nghe giọng thơ Lê Anh Xuân như viết cho chính tâm can mình: Quê nội ơi/ Mấy năm trời xa cách/ Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời gầm xa lắc.../ Cớ sao lòng thấy nhớ thương/ Ôi cơn mưa quê hương/ Đã ru hát hồn ta thuở bé…

Sáng ra, trên nền sân loang loáng nước là những quả chay vẹo vọ vàng ươm rơi rụng, tẽ ra lớp múi hồng tươi. Bà nội nhặt lấy, rửa sạch bằng nước muối loãng và tẽ phần tươi ngon thơm phức đút miệng cháu. Cháu tỉ mỉ ngồi giã nhuyễn vỏ chay, trầu cau, chút vôi chút thuốc trong chiếc cối đồng nhỏ xíu xiu của bà. Mùi chay chín cây rụng quyện lấy mùi trầu bà nhai dậy hương cả vùng thơ ấu.

Lại nhớ ngày nhỏ, vẫn ngồi bên bà nội, trong một khoảng sân nắng thưa rọi từ tán chay cao vút xuống, khi bà đều tay thái chay phơi khô để dành quanh năm. Chay là giống quả lắm mủ, kể cả khi đã chín, nên khi hái trên cây không cẩn thận cũng có thể khiến vạt áo sáng màu lem luốc. Bà nội thường ngâm ngay vào chậu nước gạo, hoặc nước muối để khử mủ trước khi chế biến món ăn hoặc đưa cho cháu. Có khá nhiều món ăn trở nên đáng nhớ khi bà cho thêm chút vị chua của chay vào.

Đơn giản nhất là chay dầm nước rau muống luộc. Vị thơm và chua nhẹ của chay không thể lẫn đi đâu và ấn tượng hơn hẳn so với những sấu, mẻ, cà chua. Để rau khỏi bị vàng, bà thả quả chay vào sau khi đã vớt rau, nấu thêm một lúc cho chín nhừ. Rau muống chấm mắm cáy bà làm, uống nước rau thanh thanh và thơm thơm vị chay, thêm một ít lạc rang nước mắm hành tỏi thơm phức. Chỉ đơn giản vậy mà bữa cơm hai bà cháu cũng đủ vui, đủ đầy.

Quả chay kho cá thì cần cầu kỳ hơn. Quả chay thái lát trải đều xuống đáy nồi. Xếp lần lượt một lớp cá, một lớp chay, thêm riềng, sả, ớt, hạt tiêu, nước màu (đường thắng), phủ thêm một lớp chay lên trên cùng. Đổ xâm xấp nước vào nấu đến khi trong nồi còn sền sệt thì bắc ra. Đảm bảo nồi cá kho đã thơm ngào ngạt. Cá kho với quả chay ngon nhất là mớ cá đồng bà mua tươi rói từ lũ trẻ trong xóm vừa đánh bắt được bên đập nước.

Những con cá nhỏ bằng ngón tay, ăn luôn được cả xương cả ngạnh, bao nhiêu cái béo, cái ngon của cá ngấm cả vào lát chay. Xới bát cơm nóng, nhẩn nha thêm vài lát chay kho cá, thấy cái mằn mặn, chua chua, béo ngậy trong lát quả quen, mới thấy cái ngon đâu phải đến từ những thứ cao lương mỹ vị.

Nhưng nhớ hơn cả là món canh gà nấu xáo chua chua vị chay của bà. Xáo gà của bà không thể thiếu hành tăm, vài miếng chay khô. Nước xáo gà ngọt lừ, thanh dịu, thơm phức. Gà non mềm múp, ăn kèm chút rau sống cằn cỗi vì bà trồng trên đất đồi, chan lên tô bún còn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn bên bếp lửa còn vương vương mùi khói rơm chưa lụi.

Bà là người ít nói, ít kể chuyện. Những chia sẻ, yêu thương mà cháu cảm nhận được từ bà đôi khi lại từ những bữa cơm giản dị với những khoảnh khắc ấm áp, yêu thương, đầy sắc màu, lắm hương vị như thế.

Tối qua có quả chay thao thức trên chiếc bàn nhỏ. Quả chay ấy kéo về cả những yêu thương đi về phía giấc mơ.

 

Theo HẢI AN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...