Lời xin lỗi muộn màng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá mà ngày đó tôi mạnh dạn tặng quà cho cô bằng quả mít nhà trồng. Giá tôi đừng hiểu lầm... Cô ơi, em xin lỗi!

Năm 2002, tôi đi dạy ở một huyện miền núi. Nơi đây trường học còn ọp ẹp (tận dụng nhà kho còn lại của hợp tác xã), nơi nội trú của giáo viên là trạm y tế cũ. Học sinh đứa nào tóc cũng đỏ hoe, khét lẹt mùi nắng, lôi thôi lếch thếch. Tâm thế của những ngày đầu cầm phấn háo hức lắm; nhất là khi trông chờ ngày nhà giáo, mấy anh chị đồng nghiệp bảo học sinh ở đó tất bật kiếm cơm khi biết cầm được dao bào củ mì nên các em không biết 20-11 là ngày gì đâu. Nghe nói vậy, thấy hụt hẫng làm sao.

Buổi tọa đàm kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức ở hội trường UBND xã. Ra về, vừa dắt xe đến cổng, các em học sinh ùa lại, hớn hở tặng tôi những bó hoa hái được ở mé rừng, quanh nhà: nào hoa giấy, hoa bộng giếng, hoa cánh bướm… Vùng cao nắng gió, bó hoa dại mọc trên những cánh đồng sỏi đá đã "kéo" tôi lại với ngôi trường tạm bợ.

Với "người đưa đò", còn gì hạnh phúc bằng khi đón nhận tình cảm của "khách sang đò", ấy vậy mà tôi, khi còn là một cô học trò, đã không hiểu được điều này, tôi nợ thầy cô món quà của lòng tri ân...


 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Giá trị của món quà là ở cách tặng chứ không phải giá trị vật chất. 20-11 là ngày lễ "tôn sư trọng đạo", xã hội đề cao nghề giáo, chứ không có nghĩa là ngày học sinh mua quà tặng thầy cô. Ngày nhỏ, tôi không hề biết điều đó...

Năm tôi học lớp 8, cũng vào ngày 20-11, các bạn trong lớp hào hứng gom tiền mua hoa, quà tặng thầy cô, đặc biệt là cô chủ nhiệm. Tôi về xin tiền má. Má bảo không có. Tôi mặt nặng mày nhẹ, khóc rấm rứt. Má bảo nhà có trái mít vừa chín tới, con hái tặng cô đi. Tôi ứ ừ, khóc to hơn: "Ai lại làm như thế, bạn bè cười chết mất". Bạn bè có quà mang đến nhà cô, tôi không có nên đâm ra sợ, sau ngày 20-11, cứ muốn nhìn lơ ra cửa sổ hay nhìn đâu đâu chứ không dám khoanh tay nhìn thẳng vào cô như mọi bận...

Tôi nhớ rõ sau ngày 20-11 đó 3 ngày, hôm đó tôi mang tiền học phí theo nộp cho nhà trường nhưng bị mất cắp. Đứa bạn ngồi bên đích thị là thủ phạm, số tiền còn nguyên trong chiếc cặp của bạn ấy, các bạn trong lớp quyết phải thưa cô lục cặp để bắt tận tay cho bỏ đi cái tật lấy cắp. Cô giáo vào lớp, các bạn nhao nhao đòi lục cặp, nhìn quanh lớp một lượt, cô bảo:

- Lấy cắp là sai, nếu bạn nào lỡ lấy của bạn thì hãy gặp riêng cô, cô sẽ giúp em xin lỗi bạn ấy và gửi lại số tiền đã mất!

- Thưa cô! Nhưng...

- Không nhưng gì cả, cô hứa sẽ giữ bí mật! Như vậy nhé các em!

Tiết học vẫn diễn ra bình thường. Tôi ấm ức nghĩ có lẽ vì ngày 20-11 vừa rồi bạn ấy mang quà đến nhà thăm cô nên cô "nương tay" như vậy. Nếu ngược lại, tôi là kẻ cắp, chắc gì cô để yên như thế, vì tôi không tặng quà gì cho cô cả; bụng đinh ninh như vậy nên tôi đâm ra ghét cô...

***

Hôm rồi, tình cờ gặp cô tại một phòng khám tư nhân. Cô chủ động kéo tôi lại nói chuyện, vẫn nhận ra tôi nhờ nốt ruồi ở giữa trán và nhờ đứa cháu cùng đi với tôi giờ là học trò của cô. Cháu có kể về tôi với cô. Cô níu tay tôi lại hỏi han bệnh tình, dặn cố gắng.

Mấy khi được trò chuyện với cô nên tôi đem chuyện mất tiền ngày xưa ra hỏi, cô nói: Cô biết cả lớp thắc mắc sao cô làm vậy nhưng khi mới bước vào lớp học, đảo mắt một vòng, cô biết ngay trò nào có tội. Và, vì cô biết bạn ấy không xấu, mẹ đang ốm nên mới làm vậy, nếu làm rõ trắng đen, sợ bạn ấy xấu hổ mà bỏ học nên cô đã xử như vậy. Cô biết em buồn cô nhưng cô chấp nhận vì như vậy còn dễ chịu hơn việc bạn ấy bỏ học mà.

Trò chuyện cởi mở với cô, tôi thấy tiếc khi biết rằng cô thích ăn mít nhất. Giá mà ngày đó tôi mạnh dạn tặng quà cho cô bằng quả mít nhà trồng. Giá tôi đừng hiểu lầm... Cô ơi, em xin lỗi!

Theo Nguyễn Thị Bích Nhàn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...