Đường me

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chẳng biết tự bao giờ, dọc con đường từ thị trấn Tuy Phước (Bình Định) về xã Phước Sơn quê tôi đã hiện diện hàng me cổ thụ. Qua khỏi ngã ba Cây Xoài, bắt đầu từ Liêm Thuận ra đến Kỳ Sơn, hai bên đường là những cây me cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát trên suốt một đoạn tỉnh lộ mà người quê tôi gọi là đường cái quan. Núi Kỳ Sơn kéo dài từ Huỳnh Mai ra đến Phước Hiệp, qua vùng này triền núi thoai thoải, dân cư thưa thớt nhưng me thì có đến hàng trăm cây, gốc to đến cả ôm người lớn, vỏ xù xì ra vẻ ta đây đã vào hàng... thượng thọ.
Ngày còn nhỏ, mỗi khi được cha chở bằng xe đạp qua đây, tôi vẫn thường ngước mắt đến “trật cả ót” nhìn lên những cây me mà thèm rỏ dãi. Không thèm mới lạ! Những chùm me lúc lỉu, khi còn non thì xanh, già hơn một chút xanh đậm, rồi đến lúc trở thành me dốt thì chuyển sang màu nâu sẫm. Giai đoạn nào của me, quả cũng ngon, nhưng tôi vẫn thèm ăn nhất là khi chúng vừa lớn, hạt bắt đầu tượng bên trong mà còn chút phấn áo bên ngoài. Lấy ngón tay vuốt nhẹ vỏ hoặc chùi sơ một chút vào áo quần, cắn một cái nghe chất chua của me ngấm qua lưỡi rồi tiếp tục đi vào tận chân răng, nhắm nhẹ mắt tận hưởng vị hấp dẫn của món khoái khẩu chạy lên đến cơ quan não bộ, cứ thế ăn đến khi ê cả răng không thể cắn được nữa mới thôi.
Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, thời đi học ở Trường Trung học Cường Để (Quy Nhơn), tuần 2 lần chúng tôi đạp xe đạp về chiều thứ bảy và đi vào chiều chủ nhật. Những khi ấy, đám “thứ ba học trò” chúng tôi không thể không càn quét những cây me cổ thụ bên đường. Trèo lên hái, kiếm cây thọc, rung, lắc… miễn sao có me ăn tại chỗ và mang cả bọc về.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tháng 9, tháng 10 Âm lịch, me gần chuyển sang dốt, hạt đã lớn, thịt có vị ngòn ngọt. Đây là lúc thu hoạch làm món me ngâm rất ngon. Me mang về, nạo vỏ rồi ngâm trong nước đường pha chút muối rang. Tết ở quê tôi nhà nào cũng có hũ me ngâm chua chua ngọt ngọt, ăn không cũng được mà nhắm với rượu xuân lại càng tuyệt vời.
Qua bao nhiêu năm chúng tôi đã già đi nhưng các thế hệ sau vẫn là “thành phần thứ ba”, vẫn phá như giặc trên con đường đầy me này. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ cuối thu sang đến đầu xuân, trên những cành me sum suê luôn có đám trẻ trèo hái, dưới gốc cây là xe đạp, cặp sách, quả banh lăn lóc… Và không chỉ riêng tôi, những ai là người Phước Sơn, Phước Thuận, chắc hẳn cũng đã từng ghé lại ít nhất một lần bên dưới những gốc me cổ thụ để thưởng thức vị ngòn ngọt, chua chua của loại quả này dọc con đường me thời thơ ấu.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...