Cối đá ngày mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa đầu mùa. Những cơn gió quăng quật cây cối trước nhà. Chợt nhớ, ngày còn nhỏ, hễ thấy mưa là đám con nít chúng tôi chạy lăng quăng reo hò, dường như không có cách nào để ngăn chúng lao ra ngoài tắm. Chả cần lên tiếng la mắng chi cho mất công, mẹ lúi húi mở cối xay bên hè. Thấy vậy, lũ nhỏ liền lấp xấp chạy ào tới, mỗi đứa một việc, đứa xách nước, đứa kiếm giẻ cho mẹ lau rửa cối. 
Chiếc cối đá xanh được mẹ vần ra, các anh chị phụ mẹ cọ rửa sạch sẽ. Cối nặng trịch, phải tháo từng phần ra mới lau rửa kỹ lưỡng được. Xong xuôi, chị Hai lật đật chạy vào bếp tìm chậu gạo mẹ đã ngâm sẵn để bưng ra, còn anh Ba chạy ra giếng lấy một cái chén cho mẹ làm gáo múc bột. Mẹ cứ thế thong thả xay bột, tiếng ù ù của cối đều đặn vang lên trong tiếng mưa rào rào. Thứ bột sữa gạo trắng tinh ứa ra, chảy xuống cái chậu nhỏ được kê bên dưới. Trông thì nhẹ nhàng vậy, chứ tụi nhỏ chúng tôi phải 2 đứa hè nhau mới xay nổi. Nhìn mẹ làm, đứa nào cũng mê mẩn như đang xem xi nê vậy, mặc ngoài kia cơn mưa đã bắt đầu trĩu hạt mời gọi tụi nhỏ ra tắm mưa. Bếp lửa hồng đã nhóm sẵn chờ làm các món bánh xèo, bánh bèo, bánh cuốn... Nếu làm bánh cuốn thì lũ nhỏ liền đi giã mắm nêm hoặc xì dầu, nếu mẹ bắc xửng để hấp bánh bèo thì lo đi rang đậu phộng, làm nước mắm đợi sẵn. Còn nếu thấy mẹ bắc chảo lên bếp thì chắc chắn làm món bánh xèo rồi, vậy là chúng tôi liền đội mưa chạy đi kiếm rau sống ăn kèm.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Mẹ thường bảo, các món bánh này phải ăn lúc trời mưa mới ngon. Thế nên đám con nít lóc chóc luôn chờ đợi mưa về để vừa có thể ngắm mưa, vừa được quây tròn trong căn bếp nhỏ chờ bánh ra là ăn ngay cho nóng. Cái cảm giác được nếm miếng bánh còn nóng rẫy, vương chút khói mỏng và lừng thơm mùi gạo giữa cái lành lạnh của cơn mưa đầu mùa luôn khiến chúng tôi vô cùng phấn chấn. Những nhà hàng xóm cũng sang nhờ xay bột về làm bánh. Vậy nên khoảng sân có chiếc cối luôn đong đầy niềm vui mặc cho mưa chẳng ngừng rơi.
Rồi chị Hai dần thay mẹ “quản lý” cái cối đá. Tiếng ù ù xay gạo đều đặn vẫn vang lên mỗi khi mùa mưa tới. Thêm nhiều mùa mưa nữa, đám trẻ dần lớn lên. Ngày chị Hai theo chồng, chiếc cối đá nằm im lìm trong góc nhà, chả biết buồn hay vui nữa mà im tiếng từ dạo đó.
Nơi bờ thềm, chiếc cối đá nằm lặng lẽ và dần rơi vào quên lãng. Gạo rồi cũng chả ai xay vì lỉnh kỉnh, bánh thì lâu dần cũng ít người làm vì mất công. Bây giờ chỉ cần ra quán là có sẵn hết. Chỉ có mưa về mang theo những cơn giông đầu mùa ngơ ngác đến hỏi han chiếc cối đá nằm lăn lóc ở góc sân kia: Đâu rồi những đứa trẻ của ngày hôm qua bên mẹt bánh thơm ngon của mẹ?
 KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.